(Baonghean) - Nhắc đến bài diễn văn của tân Tổng thống Trump trước Quốc hội Mỹ vào ngày 1/3 không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi so sánh với bài phát biểu nhậm chức của vị tỷ phú này không lâu trước đó. Phải chăng Trump đã trở nên dễ đoán hơn và ngày càng giống… tổng thống hơn?
Kinh nghiệm từ quá khứ?
Chiếu theo những chuẩn mực lâu nay của Trump, không quá lời khi nói rằng bài diễn văn mới nhất của ông trước Quốc hội là một tín hiệu đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, chỉ 5 tuần lễ trước, Trump đã có bài phát biểu nhậm chức tổng thống “gây sốc” nhất lịch sử hiện đại của Mỹ.
Kể từ khi ấy, vị chính khách xuất thân doanh nhân liên tục “vạ miệng”, gọi báo giới Mỹ là kẻ thù của người dân, gây chuyện trên mạng xã hội, khiêu chiến với một chuỗi cửa hàng bách hóa về nhãn hàng thời trang của con gái, vướng vào những cuộc tranh cãi vô bổ về số người tham dự lễ nhậm chức của mình, hay thậm chí là hết lần này lượt khác quả quyết bản thân không thua phiếu phổ thông trong cuộc đua tháng 11/2016 mà không màng đến những số liệu xác thực đã được công bố.
Còn lần phát biểu này, người ta để ý rằng đôi mắt người đứng đầu nước Mỹ dán chặt không rời màn hình máy nhắc chữ. Tờ DW còn nhận xét “có lẽ đây là bài diễn văn đầu tiên trông ông có vẻ mang… nửa dáng dấp của một tổng thống”. Hầu như suốt thời gian diễn thuyết, Trump giữ giọng điệu đúng mực, không phạm lỗi nào đáng kể, và các thành viên đảng Cộng hòa lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Trump đã thở phào nhẹ nhõm.
Trước đây, gần như chưa bao giờ họ có cơ hội được đồng tâm nhất trí đến vậy, ủng hộ vị tổng thống trên danh nghĩa xuất thân từ chính đảng của mình một cách thoải mái như khi ông Trump khảng khái nhấn mạnh tuyên bố về vai trò lãnh đạo của Mỹ, khẳng định quan hệ đối tác với Israel, đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan hay cam kết hỗ trợ NATO…
Chuyên gia phân tích Miodrag Soric tại Washington cũng đặt dấu hỏi phải chăng những kẻ vốn chỉ trích gay gắt Trump trong nội bộ đảng của ông đã “thứ tha” cho việc Trump miêu tả liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương là “thừa thãi” chỉ vài tuần trước, rồi tìm cách củng cố quan hệ với Nga.
Trước Lưỡng viện Mỹ, người ta không nghe thấy từ “Moskva” hay “Nga” nào thoát ra từ miệng ông Trump - điều hết sức đáng lưu tâm, đặc biệt là trong bối cảnh giới truyền thông xứ cờ hoa đã nhiều tuần đoán già đoán non về mức độ liên hệ thường xuyên của các phụ tá chiến dịch tranh cử của Trump với Điện Kremlin.
Vậy phải chăng tổng thống tỷ phú đã biết rút kinh nghiệm? Chí ít, phải thừa nhận rằng thay vì gieo rắc nỗi sợ hãi hay bêu rếu đối thủ chính trị, Donald Trump đã thành công khi có bài diễn văn đầy tính bảo đảm trước phiên họp chung của Lưỡng viện Mỹ.
Bài viết trên tờ Guardian cũng so sánh giữa những lần diễn thuyết của Trump và đi đến kết luận: Bài phát biểu trước Quốc hội hôm 28/2 - vốn chẳng kém cạnh thông điệp liên bang của một tân tổng thống - đã mang màu sắc hòa giải đậm nét hơn. Người dân Mỹ đã và đang được chứng kiến một Tổng thống Trump hoàn toàn khác biệt so với nhân vật từng gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ và khiến cả thế giới phải cảnh giác cao độ, dù họ chưa biết thay đổi này xuất phát từ nguyên do nào và kéo dài được bao lâu.
Tùy cơ ứng biến
Có nhiều giả thuyết lý giải “tấm áo mới” mà Trump khoác lên mình trong bài diễn văn quan trọng này, trong đó có lẽ hợp lý nhất là đứng từ góc độ bản chất của sự kiện để đưa ra nhận định. Quốc hội, và đặc biệt là một Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số, lại lắng nghe diễn văn từ một Tổng thống xuất thân cũng từ đảng Cộng hòa - kỳ vọng được đối xử một cách tôn trọng, nhất là trong tháng 3 này sắp sửa công bố một gói ngân sách khổng lồ.
Tuần trước, lãnh đạo Thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell nói rằng ông hy vọng Trump sẽ có một thông điệp lạc quan, tích cực và chẳng dính dáng gì đến mạng xã hội. Những người chấp bút viết diễn văn cho tổng thống Mỹ rõ ràng đã cố gắng để đáp ứng yêu cầu trên, cho ra sản phẩm là một bài nói với tông giọng đoàn kết, những câu chữ đầy trân trọng đối với vai trò của Quốc hội, hay những lời kêu gọi 2 chính đảng Dân chủ và Cộng hòa bắt tay hợp tác, tái nhắc lại những nhận định về các thể chế quốc tế, đặc biệt là NATO.
Xét cho cùng, dù ông Trump không phát ngôn như thể một nhà độc tài, nhưng thực tế lại không phải vậy. Quốc hội không phải là vật sở hữu để Trump chỉ huy, động cơ chính trị của ông và của họ khác nhau đối với các vấn đề như các chương trình chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, hay vấn đề địa chính trị… Và trong một số phần của bài phát biểu hôm thứ Ba liên quan đến y tế, trường học, nhập cư và tội phạm, Trump đã ngầm phát tín hiệu rằng nhượng bộ về một vài khía cạnh là điều cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn còn kha khá điểm “chưa hoàn hảo” trong lần xuất hiện của Trump trước lưỡng viện, mà đáng nói nhất có lẽ là sự thiếu chi tiết của ông. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ không đưa ra thông tin cụ thể nào về cách thức đưa dịch vụ chăm sóc y tế trở nên hợp túi tiền với những người Mỹ không có bảo hiểm.
Ông cũng để ngỏ không lý giải nguồn tiền đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng hay hiện đại hóa quân đội hơn sẽ đến từ đâu. Ông hứa giảm thuế, nhưng cũng chẳng nói rõ con số bao nhiêu. Ở điểm này, “ông Trump cũ” lại xuất hiện, với phong cách thường thấy: hứa hẹn nhiều, nhưng tuyệt nhiên im lặng, không nêu ra kế hoạch thực hiện lời hứa. Nhiều người phỏng đoán, phải chăng chính bởi màn lột xác chưa triệt để ấy nên phe Dân chủ cũng tỏ ra do dự, chưa dám đặt lòng tin vào một “phiên bản” mới của Trump, kể cả khi ông chủ động “chìa cành ô liu”, mở lời đề nghị hợp tác với phe đối lập để cùng phát triển các chính sách quan trọng như y tế, nhập cư, giáo dục…
Thu Giang