1. Chiếc ghế Tổng thống Nga tiếp tục gọi tên ông Vladimir Putin

Tổng thống Nga Putin.

Không nằm ngoài dự đoán với 76,6% số phiếu, vượt đa số cần thiết tránh một cuộc tranh cử, ông Putin tiếp tục giành chiến thắng bầu cử trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Nga thêm một nhiệm kỳ nữa.

Kể từ khi ông lên cầm quyền tại Nga vào đêm giao thừa năm 1999, ông Putin đã tập trung vào sự ổn định đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Nga sau khi Liên Xô tan rã. 

Là hiện thân của sức mạnh hồi sinh của Nga trên trường quốc tế, ông Putin đã giành được sự tín nhiệm rất lớn của của người dân Nga. Hơn 30.000 người đã tập trung tại Quảng trường Manezh cạnh Kremlin trong cái rét 10 độ C (15 độ F) để đợi chờ bài phát biểu sau chiến thắng của ông.

2. Trung Quốc bầu chọn các chức danh trong Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị. Ảnh: AP

Sáng 19/3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 7 bầu ra các chức danh trong Chính phủ.

Theo danh sách do Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cử, Hội nghị đã bầu Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc làm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Ngụy Phượng Hòa, Vương Dũng, Vương Nghị, Tiêu Tiệp, Triệu Khắc Chí làm Ủy viên Quốc vụ. 

Trước đó, Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 cũng đã thông qua Dự thảo quyết định về Phương án cải cách cơ cấu bộ máy Quốc vụ viện nhằm củng cố bộ máy chính phủ hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Được biết từ khi tiến hành cải cách mở cửa cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 7 lần cải cách bộ máy Chính phủ.

3. Nhật Bản nhờ Hàn Quốc thu xếp cuộc họp với ông Kim Jong-un

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty

Báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn thạo tin cho biết, Nhật Bản đã đề nghị Hàn Quốc làm cầu nối cho cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hiện giới chức Hàn Quốc cũng như Triều Tiên chưa đưa ra bình luận về đề nghị của Nhật Bản.

Thông tin trên được đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi truyền thông Nhật Bản nói rằng, Tokyo không loại trừ khả năng thu xếp cuộc gặp cấp cao Nhật-Triều để thảo luận các vấn đề song phương và rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy quan hệ với Triều Tiên đang ấm dần lên. Trong khi đó, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 17/3 kêu gọi Nhật Bản thay đổi chính sách căng thẳng với Bình Nhưỡng.

4. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho thăm Trung Quốc

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho ngày 19/3 đã tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc nhằm thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc lâu nay vốn chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Mới đây nhất, ngày 12/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Triều Tiên và Hàn Quốc cần tăng cường trao đổi và giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm, trong bối cảnh một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được lên kế hoạch. 

5. Chỉ trích điều tra, Tổng thống Trump “sờ gáy” Công tố viên Mueller?

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI và đứng đầu đội ngũ điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ảnh: Tablet Magazine.

Một ngày sau khi có thông tin ông Mueller thẩm vấn cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những chỉ trích nhắm tới các cựu quan chức FBI, ngụ ý tới sự thiên vị đảng phái trong đội ngũ điều tra.

Trên trang Twitter cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Tại sao trong đội ngũ của Mueller có tới 13 thành viên Dân chủ cứng rắn, trong đó có những người ủng hộ mạnh mẽ Crooked Hillary (ám chỉ bà Hillary Clinton), mà lại không có thành viên Cộng hòa? Đội ngũ này mới đây còn bổ sung thêm một thành viên Dân chủ… Có ai nghĩ điều này là công bằng? Và ở đây có sự thông đồng nào không?”

Dường như đây là lần đầu tiên ông Trump nêu thẳng tên một người mà ông muốn chỉ trích trên trang Twitter cá nhân và không ngần ngại nhắc đến cái tên Mueller, vốn cũng là một thành viên đảng Cộng hòa.

6. Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak có thể bị bắt

Ông Lee Myung Bak đến văn phòng công tố Seoul để thẩm vấn vào ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Lee, một trong những cựu quan chức mới nhất bị cuốn vào cuộc điều tra hình sự tại Hàn Quốc, đang bị điều tra trong nhiều vụ việc khác nhau với nghi vấn tham ô hàng triệu USD.

Hãng tin Yonhap ngày 19/3 dẫn lời văn phòng công tố Seoul đang điều tra vụ việc cho biết họ đã chính thức gửi yêu cầu bắt giữ lên tòa án. "Mỗi cáo buộc mà ông ấy đối mặt đều quan trọng nên đòi hỏi phải bắt giữ chính thức. Chúng tôi tin là nguy cơ hủy bằng chứng rất cao" - một công tố viên cấp cao giải thích lý do muốn bắt giữ nghi can.

Tòa án dự kiến đưa ra quyết định vào cuối tuần này. Nếu yêu cầu được chấp thuận, ông Lee sẽ là cựu quan chức cấp cao thứ tư bị bắt trong cuộc điều tra tham nhũng của Hàn Quốc.

7. Vụ cựu điệp viên: Nga yêu cầu Anh chứng minh hoặc phải xin lỗi

Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. Nguồn: TASS

Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 19/3 tuyên bố Anh phải sớm đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái của ông này hoặc là phải đưa ra lời xin lỗi Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva, ông Peskov nhấn mạnh các cáo buộc của Anh là "khó hiểu, vô căn cứ và mang tính vu khống."
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định những cáo buộc cho rằng Moskva đứng sau vụ việc tại thành phố Salisbury của Anh là "vô căn cứ" và Nga sẵn sàng hợp tác với London đề làm sáng tỏ vụ việc này.

8. Phe nổi dậy bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của quân đội Syria

Chiến đấu cơ Su-24 của Nga.

Theo Sputnik, thời điểm máy bay chiến đấu Su-24 được cho của quân đội Syria bị bắn đã xuất hiện trong đoạn video được đăng trên Twitter.

Chiếc máy bay gặp nạn đã rơi xuống phía dưới với tốc độ nhanh cùng những vệt khói đen xuất hiện phía sau trước khi lao thẳng xuống mặt đất.

Hãng tin Al-Masdar cho biết chiếc máy bay bị bắn đã rơi xuống khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân đội Syria. Tuy nhiên, tình trạng của phi công hiện không rõ.

Cũng theo hãng tin Al-Masdar, các tay súng Jaysh Tahrir al-Sham trước đó tuyên bố nối lại hoạt động tấn công nhằm vào các vị trí của quân đội Syria trong khu vực núi Đông Qalamoon.