1 - Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga
Ông Vladimir Putin ngày 7/5 tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga tại phòng khánh tiết Andreev cung điện Krenlin Lớn ở Thủ đô Moskva, bắt đầu thực thi chức trách Tổng thống trong 6 năm, tức đến hết ngày 7/5/2024.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3 vừa qua ông giành chiến thắng kỷ lục với 76,7% số phiếu bầu. Năm 2000 con số này là 52,94%, 2004 là 71,31% và năm 2012 là 63,6%.
Tại buổi lễ nhậm chức, Putin nhấn mạnh, nước Nga cần trở nên hiện đại và năng động hơn, mạnh mẽ đối diện với những thách thức mới của thời đại, bởi lẽ “dòng chảy lịch sử không cho phép chúng ta có thời gian thư giãn, thói tự mãn, và sự dửng dưng”.
Theo Putin, nước Nga cần tạo ra đột phá trên tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống. Để làm được điều này thì cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, các tiêu chí như danh tiếng, danh dự, công bộc, và cởi mở sẽ là những tiêu chuẩn đánh giá các cấp chính quyền trong thời đại mới.
Trong bài phát biểu của mình, Putin cho biết, dựa vào “sự táo bạo” của tuổi trẻ, những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước, chính là cách mà ông sẽ tiếp cận và phát huy trong nhiệm kỳ tới.
Vấn đề an ninh và quốc phòng sẽ tiếp tục được duy trì, giữ vững và trong thời gian tới được quan tâm nhiều hơn.
2 - Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử
Ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cộng hòa Hồi giáo này. Đây là động thái được nhiều người đánh giá là “sai lầm nghiêm trọng”, đe dọa đưa bản thỏa thuận vốn trải qua không ít nỗ lực của người tiền nhiệm Barack Obama mới đạt được đứng trước nguy cơ trở về xuất phát điểm ban đầu. Tuy tỏ ra thất vọng, song các đồng minh của Mỹ tại châu Âu; Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Trong khi đó, 2 đồng minh khác tại Trung Đông là Israel và Saudi Arabia lại xem đây là bước đi “lịch sử” nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, ngỏ ý hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề này.
Theo giới phân tích, quyết định đơn phương của Mỹ có thể đẩy Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới khi Iran đe dọa nối lại các chương trình hạt nhân.
3 - Căng thẳng Israel-Iran leo thang tại Syria
Ngày 10/5, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết không quân nước này đã được triển khai để ngăn chặn một vụ tấn công bằng tên lửa của Israel được cho là tiến hành bởi máy bay chiến đấu Israel từ không phận Liban.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sau đó cũng xác nhận quân đội Israel đang tiếp tục tấn công “các mục tiêu Iran” tại Syria, cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào của các lực lượng Syria sẽ nhận lấy “tình thế cực kỳ nghiêm trọng”. Đây được xem là hành vi đáp trả trước cái mà Israel khẳng định là khoảng 20 tên lửa do Lực lượng Quds của Iran phóng từ lãnh thổ Syria vào ban đêm nhắm đến khu vực Cao nguyên Golan mà Israel đang kiểm soát.
Phát biểu với báo giới, đại diện Israel nhấn mạnh nước này không tìm cách làm leo thang căng thẳng, đồng thời khẳng định đã báo trước cho Nga về cuộc không kích của họ nhằm vào nhiều mục tiêu ở Syria.
Lên án hành động của đối phương, Iran gọi các cuộc tấn công của Israel vào Syria là “hành động xâm lược”, dựa trên “những cớ tự tạo và vô căn cứ”, trong khi cả thế giới giữ im lặng, đồng nghĩa với việc “bật đèn xanh” cho Israel.
4 - Thượng đỉnh Mỹ-Triều “chốt hạ” thời gian, địa điểm
Hôm 10/5, Tổng thống Mỹ đăng tải trên trang cá nhân Twitter: “Cuộc gặp hết sức được mong đợi giữa Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6. Chúng tôi sẽ cùng cố gắng biến nó thành một khoảnh khắc rất đặc biệt đối với Hòa bình Thế giới!”
Singapore được cho là hội tụ 3 điều kiện quan trọng để được chọn làm nơi tiến hành cuộc đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên: kinh nghiệm trong việc tổ chức nhiều hội nghị quốc tế cấp cao; mối quan hệ mật thiết với Mỹ và năng lực bảo đảm an ninh; một trong những nước có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và tiếp nhận sứ quán của nước này .
Thông báo trên được đưa ra 1 ngày sau khi Triều Tiên phóng thích 3 công dân Mỹ bị cầm tù trong chuyến thăm gần đây nhất đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy vậy, ông Trump đưa ra giọng điệu lạc quan thận trọng khi thảo luận về những triển vọng của việc đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim, khẳng định ông hy vọng có thể thương thảo một hiệp định lịch sử, đồng thời cũng cảnh báo các cuộc đàm phán có thể không đem lại “quả ngọt”.
5 - Malaysia có tân thủ tướng lớn tuổi nhất thế giới
Tối 10/5, trong buổi lễ do Quốc vương Muhammad V chủ trì, ông Mahathir Mohamad tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ mới. Theo kết quả cuộc bầu cử ngày 9/5, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng lịch sử, kết thúc 60 năm cầm quyền của liên minh Barisan Nasional.
Ông Mahathir, 92 tuổi, là thủ tướng cao tuổi nhất thế giới sau khi liên minh đảng Pakatan Harapan (PH) của ông chiếm được nhiều ghế hơn trong cuộc tổng tuyển cử. Tổng cộng PH đã giành được 121 trong tổng số 222 ghế tại quốc hội. Trong khi đó, liên minh đảng cầm quyền Barisan Nasional (BN) của Thủ tướng Najib Razak chỉ chiếm được 79 ghế.