Điện Kremlin công bố thời gian và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ
Ngày 28/6, Điện Kremlin đã chính thức công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo thông báo chính thức, sự kiện sẽ diễn ra ngày 16/7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Nhà Trắng cũng đã xác nhận thông tin này.
Việc Nga và Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh là kết quả sau chuyến thăm Moskva của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton diễn ra trước đó.
Hàng trăm người tị nạn Syria hồi hương từ Liban qua biên giới Arsal
Hàng trăm người tị nạn Syria đã bắt đầu rời thị trấn biên giới Arsal của Liban để trở về nước. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ chiến dịch có sự phối hợp của nhà chức trách hai nước. Ông Abbas Ibrahim, Giám đốc Cơ quan An ninh Liban, cho biết trong ngày 28/6, có khoảng 400 người thuộc nhóm hồi hương đầu tiên trở về Syria.
Hiện các nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc tại Syria đang đề nghị Chính phủ Syria cho phép tiếp cận các thị trấn và làng mạc mà người tị nạn sẽ trở về và đa phần trong số này là nằm ở khu vực Qalamun.
Liban thời gian qua đã trở thành điểm tạm trú của gần 1 triệu người tị nạn Syria, song giới chức nước này ước tính con số thực tế còn cao hơn như vậy.
Hai miền Triều Tiên nghiên cứu chung về kết nối đường bộ qua biên giới
Tại cuộc đàm phán bắt đầu vào sáng 28/6 tại làng đình chiến Panmunjom ở bên phía Triều Tiên, phái đoàn đàm phán hai miền đã nhất trí tiến hành một nghiên cứu chung về các tuyến đường bộ ở khu vực miền Tây vào đầu tháng Tám tới và tiếp đó là tuyến đường bộ ở khu vực miền Đông.
Các bản thiết kế và các hoạt động liên quan khác cũng sẽ được hai bên tiến hành. Việc khởi công xây dựng sẽ sớm được bắt đầu sau khi hoàn tất các công việc chuẩn bị cần thiết.
Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí hiện đại hóa các tuyến đường phía Bắc nối Kaesong-Pyongyang (Bình Nhưỡng) ở khu vực miền Tây và các tuyến đường nối thành phố Wonsan-Goseong chạy qua biên giới phía Tây.
Thủ tướng Đức thừa nhận khủng hoảng di cư có thể quyết định số phận EU
Ngày 28/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo thách thức từ vấn đề di cư có thể định đoạt số phận của Liên minh châu Âu (EU).
Tuyên bố này đưa ra vài giờ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra tại Bruxelles (Bỉ), được dự báo sẽ xuất hiện nhiều bất đồng về phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 28/6 tại Bruxelles, Bỉ và kéo dài hết 29/6 sẽ tập trung vào một loạt các vấn đề đều trong tình trạng cấp bách như người di cư, cải tổ Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), tiến trình đàm phán Brexit cũng như Ngân sách dài hạn của EU.
Pháp dự định ra luật buộc nam nữ đi lính từ 16 tuổi
Pháp vừa chính thức thông báo về kế hoạch triển khai nhập ngũ toàn quốc đối với người từ 16 tuổi trẻ lên cho cả nam và nữ nhằm khuyến khích thanh niên tham gia vào hoạt động quốc gia, thúc đẩy và gắn kết xã hội.
Theo BBC, đây là ý tưởng được Tổng thống Emmanuel Macron nêu ra khi ông chạy đua vào ghế Tổng thống.
Theo dự thảo, việc nhập ngũ toàn dân sẽ gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một là nhập ngũ bắt buộc 1 tháng. Họ sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện với các tổ chức từ thiện, trường học bên cạnh hoạt động huấn luyện do lực lượng cảnh sát, cứu hỏa hoặc quân đội phụ trách đào tạo.
Giai đoạn hai là nhập ngũ tình nguyện ba tháng đến một năm. Thanh niên trẻ được khuyến khích phục vụ trong lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng nhưng họ có thể lựa chọn làm các công việc bảo vệ di sản, môi trường và xã hội.
Đây là một chương trình dự báo sẽ rất tốn kém với chi phí ước tính là 1,8 tỷ USD một năm và cần khoảng hơn 2 tỷ USD cho những đầu tư ban đầu.
Iran tái khởi động nhà máy sản xuất nguyên liệu làm giàu urani
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết nước này đã khởi động lại một nhà máy hạt nhân vốn dừng hoạt động trong 9 năm qua.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tehran chuẩn bị tăng cường năng lực làm giàu urani sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với các cường quốc P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức) khiến thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ.
AEOI nêu rõ Iran đã nhập khẩu lượng lớn quặng urani kể từ sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và cũng tự sản xuất một lượng nhỏ loại nguyên liệu này. Trước khi làm giàu urani, quặng urani được chuyển sang dạng khí có tên gọi là UF6.
Hộ tống bà Yingluck mua sắm ở Anh, một cảnh sát Thái Lan bị điều tra
Ngày 28/6, lãnh đạo Cảnh sát Thái Lan đưa ra thông cáo rút quyết định cho nghỉ phép đối với Wathanyu Weethayaponlothai và yêu cầu viên cảnh sát hàm đại tá này trở về nước để trình diện với cơ quan. Thông cáo trên được đưa ra sau khi xuất hiện hình ảnh của Wathanyu xách túi đi theo bà Yingluck trong một trung tâm thương mại ở London.
Hình ảnh này được lan truyền trên mạng và người cảnh sát bị chỉ trích dữ dội vì đã thiếu trách nhiệm của một cảnh sát viên, đi hộ tống bà Yingluck mua sắm thay vì phải tham gia bắt và dẫn độ bà cựu thủ tướng đang bị truy nã này về nước thụ án.
Trong thông cáo rút quyết định nghỉ phép đối với Wathanyu, Cảnh sát Thái Lan cho biết chưa rõ thực hư của bức ảnh, tuy nhiên nói rằng đang điều tra và sẽ có biện pháp xử lý người của mình nếu hình ảnh trên được khẳng định là chính xác.
Tái xây dựng kinh tế Triều Tiên mất 63 tỷ USD
Theo Russia Today, đây là kết quả nghiên cứu của các nhà phân tích thuộc Citibank.
Citi ước tính sẽ cần 63,1 tỷ USD để tái xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng. Trong số chi phí đó, có khoảng 24,1 tỷ USD cần thiết cho 28 dự án đường sắt, 22,8 tỷ USD cần thiết cho 33 dự án đường sá và 16 dự án nhà máy điện sẽ có giá khoảng 10 tỷ USD. Chi phí xây dựng ngay lập tức sẽ cần khoảng 11,6 tỷ USD.