Tổng thống Trump đang xem xét rút Mỹ khỏi NATO?
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều dịp chỉ trích các thành viên khối quân sự NATO là không đáp ứng được nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng hàng năm. Ông Trump thường xuyên khẳng định rằng phải chia sẻ một cách công bằng gánh nặng tài chính.
Dẫn lời các quan chức chính quyền đang tại vị hoặc đã nghỉ hưu, tờ New York Times của Mỹ đưa tin, trong suốt năm 2018, Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ sẵn lòng rút khỏi NATO. Các nguồn tin này e ngại rằng đương kim Tổng thống Mỹ sẽ quay trở lại với lời đe dọa của mình trong bối cảnh các nước đồng minh khác vẫn chưa nâng mức đóng góp chi phí quân sự cho NATO và đạt được mục tiêu do khối này đề ra.
Israel thừa nhận cung cấp vũ khí cho phiến quân tại Syria
Quân đội Israel (IDF) đã cung cấp một số vũ khí hạng nhẹ "phục vụ mục đích tự vệ" cho các nhóm phiến quân chống chính phủ Syria, Sunday Times ngày 12/1 dẫn lời trung tướng Gadi Eisenkot, tổng tham mưu trưởng IDF. Thông tin này được ông Eisenkot tiết lộ trong cuộc nói chuyện từ biệt với truyền thông trước khi nghỉ hưu. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao quân đội Israel thừa nhận nước này có hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng phiến quân tại Syria.
Tin đồn về việc Tel Aviv hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở Syria đã rộ lên từ lâu. Foreign Policy hồi tháng 9/2018 đưa tin Israel cung cấp vũ khí và tiền bạc cho ít nhất 12 nhóm phiến quân ở khu vực phía nam Syria. Theo thỏa thuận, ngoài số tiền dùng để mua vũ khí trên thị trường chợ đen, Israel còn trợ cấp hàng tháng 75 USD cho mỗi phiến quân, đổi lại các nhóm này phải đẩy lùi lực lượng Hezbollah và Iran khỏi các khu vực trên cao nguyên Golan gần vị trí Israel chiếm đóng.
Tòa án Nga ra lệnh kéo dài thời gian giam giữ 4 thủy thủ Ukraine
Theo Reuters, hãng thông tấn RIA và hãng Interfax của Nga đưa tin, một tòa án ở thủ đô Moskva ngày 15/1 đã ra lệnh kéo dài thời gian giam giữ 4 thủy thủ đầu tiên trong số 24 người Ukraine bị Nga bắt giữ ngoài khơi bờ biển Crimea hồi năm ngoái đến ngày 24/4 tới trong khi chờ xét xử.
Nga đã bắt giữ các thủy thủ và 3 tàu Hải quân Ukraine vào ngày 25/11/2018 gần bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập hồi năm 2014. Moskva cáo buộc họ xâm nhập trái phép lãnh hải Nga, điều mà Kiev kiên quyết bác bỏ.
Đức khẳng định sẽ không có thêm sự nhượng bộ nào đối với Anh về Brexit
Người phát ngôn Chính phủ Đức ngày 15/1 tuyên bố Thủ tướng Đức Angela Merkel không đề xuất bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Thủ tướng Anh Theresa May liên quan đến cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Tuyên bố trên đã bác bỏ thông tin đăng tải trên báo The Sun của Anh một ngày trước đó.
Tuyên bố nêu rõ: "Thủ tướng Đức không trao thêm bất cứ sự đảm bảo nào ngoài thỏa thuận đã được Hội đồng châu Âu thảo luận hồi tháng 12 và các vấn đề được đề cập trong bức thư của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk".
Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 192 người bị tình nghi có liên quan tới giáo sĩ Gulen
Báo Hurriyet ngày 15/1 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 192 người do có liên quan tới mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau cuộc vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Kể từ khi đảo chính xảy ra, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên mở chiến dịch nhằm vào những người thuộc phong trào Gulen. Tuần trước, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 100 binh sĩ bị cáo buộc liên lạc thường xuyên và định kỳ với các thành viên Tổ chức Fethullah (FETO) thông qua ứng dụng ByLock. Văn phòng Trưởng Công tố ở thủ đô Ankara hay các đối tượng nằm trong danh sách bắt giữ lần này là những người đang làm việc trong Bộ Tư lệnh Các lực lượng mặt đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Thêm một đường dây buôn người bị cảnh sát Italy triệt phá
Một đường dây tội phạm xuyên quốc gia với những thủ đoạn tương tự đường dây bị bắt ngày 9/1 vừa qua đã bị cảnh sát Italy tại miền Nam nước này bắt giữ vào ngày 15/1. Cảnh sát Italy đã tiến hành tổng cộng 14 vụ bắt giữ những nghi phạm nằm trong tổ chức buôn người từ Tunisia tới Italy qua con đường Sicilia. Một số nghi phạm bị bắt giữ tại cảng Palermo khi đang chuẩn bị trốn sang Tunisia và mang theo số tiền mặt lên tới hơn 30.000 euro (khoảng 34.274 USD).
Ngoài việc tổ chức buôn người sang Italy, cảnh sát còn phát hiện các hoạt động sản xuất và buôn lậu thuốc lá của tổ chức này trên lãnh thổ Italy với sự giúp sức của các đồng phạm người địa phương.
Indonesia ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất từ trước đến nay
Cục Thống kê quốc gia Indonesia ngày 15/1 thông báo thâm hụt thương mại của Indonesia năm 2018 ở mức 8,57 tỷ USD, sau khi thặng dư 11,84 tỷ USD năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng từ 168,82 tỷ USD năm 2017 lên mức 180,06 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn, từ 156,99 tỷ USD lên 188,63 tỷ USD.
Người đứng đầu Cục Thống kê quốc gia, ông Kecuk Suhariyanto cho biết nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại lớn năm 2018 là do thâm hụt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, với mức 12,4 tỷ USD. Trong khi đó, những lĩnh vực khác thặng dư 3,84 tỷ USD.