“Không còn lựa chọn”
Phe Dân chủ trong Hạ viện Mỹ đã thể hiện thái độ ráo riết muốn nhanh chóng đưa ra những điều khoản chính thức để luận tội chống lại Tổng thống của họ là ông Donald Trump hôm 5/12, khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định ông Trump “khiến chúng tôi không có lựa chọn nào” ngoài việc hành động nhanh chóng, vì ông có thể sẽ một lần nữa phá hỏng hệ thống trừ phi bị tước quyền trước kỳ bầu cử năm tới.
Động thái mang đậm màu sắc đảng phái tại thời điểm này ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích của ông Trump và các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa khác, gọi đó là trò lừa bịp và chơi khăm.
Theo AP, đây thực sự là một động thái nhiều nguy cơ rủi ro về mặt chính trị. Trong khi phe Dân chủ khẳng định họ đang làm đúng chức trách, bổn phận sau vụ điều tra liên quan đến Ukraine, thì phe Cộng hòa tuyên bố việc này sẽ khiến bà Pelosi đánh mất thế đa số tại nơi làm việc.
Trong bài phát biểu trên đồi Capitol, bà Pelosi nói: “Những hành động của tổng thống đã vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng. Ông ấy đang tìm cách một lần nữa phá hỏng cuộc bầu cử để phục vụ lợi ích cá nhân mình. Tổng thống dính đến lạm dụng quyền lực, phá hoại an ninh quốc gia của chúng ta và phương hại đến tính thống nhất của các cuộc bầu cử”.
Về phần mình, ông Trump quả quyết không làm gì sai. Trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng đáp trả rằng, phe Dân chủ “đã điên rồi”. Thậm chí, nhà lãnh đạo này còn thể hiện thái độ sẵn sàng chiến đấu, đăng trạng thái rằng nếu phe Dân chủ “sắp luận tội tôi, vậy thì hãy làm ngay đi, nhanh lên”.
Dù trước đó, ông từng đấu tranh chống lại cuộc điều tra của Hạ viện, tìm cách ngăn các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm đứng ra làm chứng, thì hiện ông lại khẳng định muốn tiến tới một “phiên tòa công bằng” tại Thượng viện.
Việc soạn thảo các điều khoản luận tội đánh dấu thời điểm mang tính bước ngoặt. Đây là lần thứ 4 trong lịch sử Mỹ, Quốc hội tìm cách phế truất một vị tổng thống và động thái này làm căng thẳng thêm mối quan hệ đảng phái cứng nhắc và phân cực dưới thời Trump, vốn đang khiến Washington mệt nhoài và xứ cờ hoa rơi vào thế bị chia rẽ.
Cuộc chiến giữa những gã khổng lồ
Bài phân tích trên CNN nêu quan điểm, nằm ở trung tâm mớ bòng bong luận tội tại Mỹ là cuộc giao tranh giữa 2 “gã khổng lồ”, mỗi bên đều đã khắc tạc tên mình vào lịch sử xứ cờ hoa.
Đứng ở một đầu Đại lộ Pennsylvania là người phụ nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử chính trường nước Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, với vai trò người bảo vệ cho Hiến pháp của nước này.
Và phía bên kia là người đàn ông quyền lực nhất thế giới: Tổng thống Donald Trump, người bị cáo buộc có hành vi gây tổn hại đến hệ thống chính trị của nước Mỹ đến nỗi giới phê bình cho rằng ông cần phải bị phế truất.
Bà Pelosi là một nhà thể chế. Vị nữ Chủ tịch đầu tiên của Hạ viện xứ cờ hoa là bậc thầy thực tiễn về chính trị theo hiến pháp truyền thống. Bà giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, xây dựng các liên minh, kiểm đếm những lá phiếu, thông qua nhiều dự luật và kiểm tra các tổng thống phe Cộng hòa.
Là con gái của một thị trưởng Baltimore, bà đã phụng sự trong Quốc hội Mỹ một thời gian rất dài, và là hình mẫu giới cầm quyền Washington mà những người ủng hộ ông Trump cảm thấy xem thường.
Trong khi đó, ông Trump, nhân vật bị cáo buộc phá hoại những nguyên tắc hiến pháp nền tảng của nước Mỹ, được CNN đánh giá là chưa từng xem bất kỳ thể chế nào “vừa mắt”, không muốn phá vỡ.
Nhà lãnh đạo đương nhiệm của nước Mỹ gia nhập chính trường muộn, thường tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong điều hành, bỏ qua những quy ước, thông lệ và hứng thú nhiều hơn với điều mà một phụ tá cấp cao từng gọi là “sự phân rã nhà nước hành chính”.
Theo một số chuyên gia, có thể các điều khoản luận tội sẽ nhận được cái gật đầu tại Hạ viện, bởi trong cơ quan này phe Dân chủ chiếm thế đa số.
Thế nhưng, việc kết tội trong phiên tòa diễn ra sau đó ở Thượng viện do phe Cộng hòa làm chủ thì lại rất khó xảy ra. Dù vậy, thì không thể phủ nhận, cuộc chiến của họ phản ánh thực tế rằng, điều đang dần hé lộ trên Đồi Capitol sẽ không chỉ dừng lại ở những cáo buộc ông Trump lạm quyền tại Ukraine. Đó còn là về sự định hình tương lai của chính bộ máy điều hành, quản lý ở Mỹ.