Việt Nam ký hợp đồng sửa chữa động cơ trực thăng với Nga

Theo giới truyền thông Nga, Liên hiệp tập đoàn chế tạo động cơ của Nga và công ty Southern Vietnam Helicopter Company (VNHS) của Việt Nam dự kiến chuẩn bị ký hợp đồng khung về sửa chữa động cơ của số máy bay trực thăng do Nga chế tạo hiện đang vận hành Việt Nam.

Bộ phận báo chí của Liên hiệp tập đoàn nói với các phóng viên hôm 13/4 rằng, trong khuôn khổ Triển lãm Việt Nam Expo 2018 được tổ chức tại Hà Nội, Liên hiệp tập đoàn Nga và hãng hàng không VNHS của Việt Nam đã thỏa thuận hợp tác lâu dài, sẽ được xác nhận bằng hợp đồng chính thức về việc sửa chữa động cơ cho máy bay trực thăng.

“Hợp đồng khung của Liên hiệp tập đoàn và VNHS dự trù điều khoản hạng mục sửa chữa động cơ TV3-117VM/WMA và các yếu tố tổng thành khác của máy bay, cùng với việc cung cấp linh kiện phụ tùng" - thông cáo của bộ phận báo chí phía Nga nêu rõ.

Theo tài liệu này, thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đang vận hành khoảng 100 máy bay trực thăng do Liên Xô và Nga sản xuất (Mi-8/17, Ka-32 và những loại khác), được trang bị động cơ tuabin thuộc họ TV3-117 (do xí nghiệp Saint-Peterburg của “Liên hiệp tập đoàn Klimov” chế tạo).

Còn theo dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Không quân nhân dân Việt Nam đang sử dụng 67 chiếc Mi-17 và Mi-171, cùng với khoảng 69 chiếc Mi-8, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có phi đội trực thăng Mil Mi lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những máy bay trực thăng của Việt Nam phần lớn là đã cũ, cần phải nâng cấp, hiện đại hóa để vừa nâng cao tính năng vận tải, tác chiến, vừa kéo dài tuổi thọ máy bay. Điều này cho thấy nhu cầu nâng cấp trong thời gian tới là rất lớn, là điều mà phía Nga không thể bỏ qua.

103648-1.jpgViệt Nam đang sở hữu hơn 100 chiếc trực thăng dòng Mil và Ka

Trực thăng ViệtNam có thể được trang bị động cơ mới nhất của Nga

Ngoài ra, theo bản thông báo này, Liên hiệp tập đoàn chế tạo động cơ của Nga cũng đã đề xuất với Việt Nam thay thế động cơ kiểu cũ TV3-117 trên các máy bay trực thăng này bằng sản phẩm hiện đại có công suất mạnh hơn là VK-2500. Đây là dòng động cơ thế hệ mới nhất của Nga.

Klimov VK-2500 là loại động cơ máy bay sử dụng động cơ tuốc bin trục công suất cao do Cục Thiết kế và thí nghiệm Kirill Klimov chế tạo như một phiên bản phái sinh của động cơ TV7-117VMA. Loại động cơ này được chế tạo như phiên bản thay thế cho loại động cơ TV3-117VMA-SB3 cũ kỹ.

Việc phát triển VK-2500 được tiến hành tại Klimov từ tháng 12 năm 1994, sau khi quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Ukraine trở nên căng thẳng, bởi Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, cũng với đó là nội chiến bùng phát ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

VK-2500 được chế tạo với mục đích tạo ra một động cơ có công suất cao có thể hoạt động lâu trong tình trạng nhiệt cao để sử dụng cho các loại trực thăng như Ka-50, Ka-52 và Mi-28.

Mặc dù loại động cơ này giống như động cơ VK-1500 về kích thước và trọng lượng nhưng công suất của nó đã tăng lên đáng kể. VK-2500 được trang bị hệ thống tuốc bin nén khí mới giúp nó có thể tăng áp lực khí cùng công suất lên so với loại động cơ cũ.

VK-2500 có công suất cất cánh là 1.790 kW (2.400 shp) và trong trường hợp khẩn cấp nó có thể đạt 2.013 kW (2.700 shp). Nó có thể hoạt động hiệu quả trong các vùng khí nóng và loãng như trên núi cao hay những nơi có thời tiết và nhiệt độ cực nóng.

Động cơ tuốc bin trục Klimov VK-2500 dành cho Ka-52 tại Triển lãm trực thăng quốc tế HeliRussia 2011

Klimov cũng phát triển hệ thống điều khiển điện tử để tối ưu hóa hiệu suất của động cơ cũng như trực thăng mà nó được trang bị.

Nếu được trang bị động cơ mới thì hiệu quả khai thác các trực thăng dòng Mil và Ka của Việt Nam sẽ được nâng rất cao, kéo dài thời hạn sử dụng cũng như thời gian phải sửa chữa, đại tu.

Trực thăng Việt Nam có thể được trang bị Richag-AV

Ngoài ra, còn có thông tin cho biết, Việt Nam cũng đang ngắm nghía gói nâng cấp trực thăng mà Nga giành cho các nước châu Mỹ latin. Gói nâng cấp sẽ có những hạng mục hiện đại hóa hết sức ấn tượng, bao gồm việc lắp đặt hệ thống bảo vệ quang học-điện tử chống tên lửa và pháo phòng không.

Trong phương án trực thăng vận tải/chiến đấu, Nga đề xuất lắp đặt thêm hệ thống điện tử tích hợp kỹ thuật số, động cơ mới, cánh quạt cải tiến và hộp số nâng cấp, hệ thống bảo vệ quang học-điện tử chống tên lửa và pháo phòng không, cũng như những thiết bị hiện đại khác.

Theo giới công nghiệp quốc phòng Nga, trong gói nâng cấp lớn cho các nước châu Mỹ Latin và Caribe lần này, Moscow sẽ xuất khẩu các hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV cho các nước đang sử dụng các dòng trực thăng Nga.

Với việc chỉ một mình Việt Nam đã sở hữu số lượng máy bay bằng 1/3 các nước châu Mỹ, giới chuyên gia nhấn định rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng nhất của Nga. Do đó, không chỉ động cơ VK-2500, nếu Việt Nam muốn mua Richag-AV thì Nga cũng sẽ sẵn sàng bán.