(Baonghean.vn) - Lạm dụng quỹ BHYT vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Tính riêng trong tháng 11/2017, có 5.409 người khám từ 50 lần trở lên. Cá biệt có một phụ nữ đi khám đến 256 lượt, được quỹ BHYT thanh toán hơn 142 triệu đồng.
» Nghệ An: Phát hiện 4 trường hợp lập khống chứng sinh, trục lợi chế độ thai sản
» Nghệ An: Nhiều nghi vấn trục lợi bảo hiểm y tế
Đây là những thống kê “nóng” được ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về BHXH, BHYT tại 63 điểm cầu trên cả nước vào chiều 29/11.
Căng thẳng “cuộc chiến” trục lợi quỹ BHYT
Tính đến ngày 27/11, toàn quốc có hơn 149,7 triệu lượt khám chữa bệnh; số tiền đề nghị quỹ BHYT chi trả là 77.547 tỷ đồng. Tính đến nay, có 41.321 người được quỹ chi trả từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, đặc biệt, có 27 người được chi trả từ 1 tỷ đến 4,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, quỹ BHYT đã làm tốt chức năng an sinh xã hội, là “bùa hộ mệnh” cho những người không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, chính vì lợi ích to lớn của BHYT, một bộ phận người dân đã có hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ. Ông Phạm Lương Sơn nêu số liệu nhức nhối: “Tính riêng trong tháng 11/2017, có 5.409 người đi khám từ 50 lần trở lên. Cá biệt có một phụ nữ đi khám đến 256 lượt, được quỹ BHYT thanh toán hơn 142 triệu đồng; một người đàn ông đi khám 201 lượt, được quỹ thanh toán hơn 57 triệu đồng”.
Người đại diện phát ngôn của BHXH Việt Nam cho biết, với những trường hợp này, BHXH các địa phương đã có nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, giải thích về chính sách BHYT nhưng nhận thức vẫn rất hạn chế.
Về phía các cơ sở khám chữa bệnh, câu chuyện trục lợi quỹ BHYT vẫn chưa giảm sức nóng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, từ khi triển khai hệ thống giám định BHYT, việc kiểm soát các hành vi trục lợi quỹ đã có những bước tiến tích cực. Từ sự minh bạch, công khai của hệ thống giám định, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền của các cơ quan ngôn luận, nhìn chung, các cơ sở khám chữa bệnh đã dần có sự đồng cảm, thấu hiểu và phối hợp nhịp nhàng hơn với cơ quan BHXH.
“Dĩ nhiên, nếu không minh bạch thì giờ đây chúng ta đã có chế tài mạnh tay, đó là Bộ luật Hình sự sửa đổi với nhiều nội dung xử lý hình sự nghiêm minh” - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam nói, và nhấn mạnh, đấu tranh với hành vi trục lợi quỹ BHYT là “cuộc chiến” lâu dài.
BHXH tự nguyện gần như “dậm chân tại chỗ”
Tính đến thời điểm này, toàn quốc có 220.000 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này chỉ đạt 58,9% so với kế hoạch giao.
“Số liệu BHXH tự nguyện gần như dậm chân tại chỗ. Con số người tham gia vẫn rất khiêm tốn” - ông Nguyễn Sỹ Đại - Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam nhận xét.
Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Sỹ Đại cho rằng, với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được cơ quan, đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ đóng đến 70%, bản thân người lao động chỉ cần đóng 30%. Còn với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 100%.
Từ ngày 01/01/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, tuy nhiên số tiền hỗ trợ này cũng không nhiều. Trong khi đó, thời gian đóng dài, thấp nhất là 20 năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân. Ông Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ mong muốn có sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin chính sách BHXH, BHYT được lan toả sâu rộng hơn./.
Phước Anh