Chính phủ quy hoạch nhiều bộ ngành tập trung vào khu vực Mễ Trì (Hà Nội), nơi nằm ngoài vành đai 3, gần đại lộ Thăng Long, có đường sắt đô thị trong tương lai.

Thủ tướng vừa phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch trụ sở cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Theo đó, nâng diện tích khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) từ 30 ha lên khoảng 55 ha, giảm khu Tây Hồ Tây (thuộc các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) từ 35 xuống 20 ha.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho hay việc điều chỉnh quy hoạch này dựa trên xác định nhu cầu xây dựng trụ sở các cơ quan Trung ương và quỹ đất hiện có của từng khu vực. 

Lãnh đạo Hà Nội nói tăng diện tích quy hoạch khu Mễ Trì để các các cơ quan lập dự án thuận lợi và xây dựng tập trung, hướng khu vực này trở thành trung tâm hành chính. Sau khi các bộ ngành lập dự án từng trụ sở sẽ kết hợp với Hà Nội giải phóng mặt bằng, thi công trên diện tích cho phép. 

"Đất tại khu vực này đã được xác định trong quy hoạch chung TP Hà Nội là đất chuyển đổi, không trồng lúa nữa mà chuyển thành trụ sở cơ quan", ông Hùng nói. 

images1808967_tang_quy_dat_khu_me_tri_de_xay_dung_trung_tam_hanh_chinh_tap_trung_5885d4572ffba.jpgTrụ sở mới của nhiều bộ ngành đã được xây dựng tại quận Cầu Giấy, trong đó có Bộ Nội Vụ. Ảnh: Võ Hải

Với góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho biết đồng tình với phương án điều chỉnh nêu trên, bởi việc tăng diện tích khu Mễ Trì và giảm ở Tây Hồ Tây sẽ giúp tránh được tình trạng phân chia trung tâm hành chính thành hai khu vực tương đương như trước.

"Nên phát triển Mễ Trì trở thành khu hành chính tập trung vì đất đai rộng rãi, gần Trung tâm hội nghị quốc gia. Trong khi đó, khu Tây Hồ Tây ít diện tích đất trống", ông Liêm nhận định. 

Theo ông, nhà nước cần có cơ chế đẩy nhanh xây dựng trụ sở các bộ ngành trong 5 năm tới, vì khu Mễ Trì có nhiều công trình xây dựng dở dang, chưa tạo ra "bộ mặt trung tâm hành chính của một Thủ đô".

"Điều đáng lo là các bộ ngành nấn ná không muốn di chuyển khỏi trung tâm hoặc không có tiền để xây trụ sở mới. Chính phủ nên yêu cầu các bộ ngành cam kết di chuyển và trả lại trụ sở cũ", ông Liêm nói.  

Trụ sở Bộ Ngoại giao được xây dựng ở khu Mễ Trì. Ảnh phối cảnh: Xuân Hoa

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, khu vực Tây Hồ Tây nên phát triển thành khu thương mại, dịch vụ  hơn là trung tâm hành chính vì "chỗ này này nằm trên trục Hồ Tây - Ba Vì được quy hoạch là trục thương mại lịch sử kết hợp văn hóa". 

Theo ông Chính, khu đất hơn 55 ha ở Mễ Trì trước đây dự kiến làm Trung tâm triển lãm quốc gia nay được chuyển thành trung tâm hành chính là hợp lý. Bởi khu vực này nằm ngoài vành đai 3, gần đại lộ Thăng Long, có đường sắt đô thị trong tương lai, là khu vực đang phát triển có thể chịu được áp lực giao thông. Xây dựng trung tâm hành chính tại đây sẽ giãn các khu hành chính hiện nay ra ngoài để giảm áp lực dân số nội đô.

Đề cập tình trạng vừa qua một số bộ ngành chưa trả lại toàn bộ diện tích cơ quan cũ sau khi xây trụ sở mới, ông Chính cho rằng, lâu nay các ngành không nghiêm túc trong việc này do vậy Chính phủ phải có quy chế rõ ràng về tài chính và quyết liệt yêu cầu các bộ ngành "trả lại trụ sở cũ, lấy trụ sở đó đấu thầu để bù lại số tiền nhà nước đã đầu tư".

Theo UBND TP Hà Nội, hiện có 9 cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở là các Bộ Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc. Trong đó, 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao sẽ đến trụ sở mới trên Đại lộ Thăng Long, khu đất hiện tại của Bộ dự kiến thành Nhà làm việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (theo quy hoạch Khu trung tâm chính trị hành chính Ba Đình). Bộ Nội vụ đã chuyển về trụ sở mới ở phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy; khu đất cũ tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trung được giữ làm trụ sở các đơn vị và trường đào tạo cán bộ thuộc Bộ Nội vụ. Cùng chuyển về phố Tôn Thất Thuyết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu đất ở 83 Nguyễn Chí Thanh vẫn được Bộ này làm trụ sở...

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN