Tại Điều 78, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định về tổ chức kỳ họp.
HĐND họp mỗi năm ít nhất hai kỳ.
HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ vào kỳ họp thứ nhất của HĐND đối với năm bắt đầu nhiệm kỳ và vào kỳ họp cuối cùng của năm trước đó đối với các năm tiếp theo của nhiệm kỳ theo đề nghị của Thường trực HĐND.
HĐND họp bất thường khi Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND yêu cầu.
Cử tri ở xã, phường, thị trấn có quyền làm đơn yêu cầu HĐND xã, phường, thị trấn họp, bàn và quyết định những công việc của xã, phường, thị trấn. Khi trong đơn yêu cầu có chữ ký của trên mười phần trăm tổng số cử tri của xã, phường, thị trấn theo danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND cấp xã tại cuộc bầu cử gần nhất thì Thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm tổ chức kỳ họp HĐND bất thường để bàn về nội dung mà cử tri kiến nghị. Đơn yêu cầu của cử tri được xem là hợp lệ khi có kèm theo đầy đủ chữ ký, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ của từng người ký tên. Những người ký tên trong đơn yêu cầu được cử một người làm đại diện tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân bàn về nội dung mà cử tri kiến nghị.
HĐND họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND thì Hội đồng nhân dân quyết định họp kín.
Ngoài ra, tại Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14, ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn một số hoạt động của HĐND cũng quy định cụ thể vấn đề này.
Cụ thể, tại Điều 1 quy định, HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của HĐND theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong kế hoạch cần nêu rõ số lượng các kỳ họp thường lệ, dự kiến thời gian tổ chức, nội dung của từng kỳ họp và các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Số lượng các kỳ họp thường lệ của HĐND ít nhất là 2 kỳ họp hoặc nhiều hơn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu thực tế của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, theo kiến nghị của UBND cùng cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan, Thường trực HĐND có thể đề nghị HĐND quyết định điều chỉnh kế hoạch để bổ sung các kỳ họp thường lệ trong năm.
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định. Số lượng các kỳ họp bất thường, thời điểm tổ chức kỳ họp bất thường theo yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh tại địa phương.
Tại kỳ họp bất thường, HĐND có thể xem xét, quyết định một hoặc nhiều nội dung theo thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục như tại kỳ họp thường lệ.
Điều 2, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 cũng quy định, trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND yêu cầu thì Thường trực HĐND triệu tập kỳ họp HĐND bất thường. Văn bản yêu cầu phải nêu lý do, có chữ ký, họ tên, địa chỉ của đại biểu HĐND.
Quyết định triệu tập kỳ họp bất thường phải được gửi đến các đại biểu HĐND chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Dự kiến chương trình kỳ họp bất thường của HĐND phải được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 3 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.