Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị những người được lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tốt hơn bổn phận của mình, cầu thị để phấn đấu tốt hơn. Đối với các vị Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị cần tham dự kỳ họp đầy đủ, giải trình những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách theo yêu cầu của đại biểu.
Cũng trong sáng nay, HĐND tỉnh cũng được nghe đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo về hoạt động của MTTQ tỉnh tham gia xây dựng chính quyền; ý kiến, kiến nghị của Nhân dân địa phương đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh.
HĐND tỉnh cũng nghe các báo cáo đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 của các cơ quan Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh; UBND tỉnh; Tòa án, Viện Kiểm sát, Cục thi hành án dân sự tỉnh. Thời gian còn lại của phiên khai mạc, HĐND tỉnh nghe các dự thảo Nghị quyết được trình tại kỳ họp lần này.
Dự kiến 27/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An tiếp tục có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Minh chứng, dự kiến có 27/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành kế hoạch đề ra; trong đó có 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,77%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và trong từng lĩnh vực tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Năm 2018 có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 211 xã, chiếm 48,96% tổng số xã; số tiêu chí bình quân các xã đạt 14,68 tiêu chí/xã; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 56 thôn (bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác đối ngoại và thu hút đầu tư tiếp tục đổi mới và tăng cường. Tính đến 15/11/2018, toàn tỉnh đã cấp mới 100 dự án, với tổng số vốn đăng ký 8.789,58 tỷ đồng; thành lập mới 1.683 doanh nghiệp, tăng 5,25% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 9.463 tỷ đồng, tăng 9,84% so với cùng kỳ. Song song với đó, UBND tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo rà soát các dự án chậm tiến độ và trong năm đã có quyết định thu hồi 13 dự án.
Thu ngân sách cả năm ước đạt 13.141,6 tỷ đồng, đạt 103,6% dự toán và tăng 3,1% so với thực hiện năm 2017; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 70 ngàn tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2017.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đến cuối năm 2018 ước đạt 70,1%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 88,32% dân số. Công tác lao động, việc làm, “đền ơn, đáp nghĩa”, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong năm đã giải quyết việc làm mới khoảng 37.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 13.594 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 61%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55,5%...
Ngoài các kết quả nêu trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các cấp, các ngành cũng quan tâm triển khai các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức... Quốc phòng - an ninh được chăm lo củng cố, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, kết quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên một số lĩnh vực còn hạn chế; nhiều vướng mắc, khó khăn trong sản xuất chậm được tháo gỡ; tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm; thu ngân sách ở một số lĩnh vực còn khó khăn.
Đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn khó khăn. Việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, rừng, tài nguyên, khoáng sản còn hạn chế; ô nhiễm môi trường một số nơi chậm được cải thiện. Công tác cải cách hành chính ở một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương ở một số nơi chưa nghiêm. Tình hình an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội tại một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bởi vậy, yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đồng bộ, toàn diện, thực chất hơn; tập trung khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch khác.
Mặt khác cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển những dự án sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo về môi trường; nâng cao hơn nữa vai trò của các ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế.
Đồng thời tập trung chăm lo, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Các cấp, các ngành phải tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chú trọng thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí.