Đến thăm mô hình trồng gừng "thơm" mùi bọ xít của ông Lương Đình Hiển (SN 1962) ở thôn Bó Luông, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) khi ông đang tất bật với công việc tưới nước cho khu vườn trồng gừng núi đá.
Ông Hiển cho biết: Gừng núi đá vốn là loài cây mọc hoang dại tại các vùng núi cao. Củ gừng núi đá có hương vị đặc biệt, mùi thơm rất đặc trưng không thể lẫn với những loại gừng khác.
"Chỉ cần chạm nhẹ vào lá thôi cũng đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của loại gừng này. Hay như chỉ cần vài lá gừng cũng đủ để làm gia vị cho 1 món ăn thơm ngon. Ban đầu chẳng ai nghĩ cây này ăn được vì nó có mùi giống y hệt mùi bọ xít. Nhưng khi ăn thì nó lại có mùi thơm đặc biệt, nhiều người ban đầu “chê” nhưng sau lại xin bằng được cây giống mang về trồng...” - ông Hiển chia sẻ thông tin.
“Một chậu (1 khóm) gừng núi đá tôi chia đôi làm 2 cây giống tương đương với 2 chậu. Nhưng với phương pháp này, tỷ lệ cây sống rất thấp, nhiều cây bị chết...”, ông Hiển nói.
Hiện nay, gừng núi đá trong thiên nhiên ngày càng khan hiếm, người dân đi cả buổi cũng chỉ tìm được 1 - 2 gốc, khoảng 1 - 2 lạng củ, thậm chí về tay không. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, giá gừng núi đá khá đắt, dao động từ 700.000 - 1 triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá gừng thông thường chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Cũng chính vì vậy mà cây giống gừng núi đá nuôi cấy mô có giá thành khá cao, khoảng 15.000 đồng/cây bé đạt tiêu chuẩn cây giống.
Theo ông Hiển, ông tận dụng sân vườn và trồng trong chậu, vừa không không tốn diện tích, vừa không tốn nhiều thời gian chăm sóc nhưng cây gừng núi đá vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 1 năm, cây gừng núi đá đã có thể cho thu hoạch. Tùy vào kích thước to, nhỏ mà có giá bán khác nhau, dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/chậu.
“Trước đây, một số gia đình đưa cây gừng núi đá về trồng trong vườn nhà theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất chưa cao. Gừng núi đá tự nhiên thường ít khi ra hoa, số chồi nằm ở củ không nhiều. Nhưng khi trồng bằng giống nuôi cấy mô, cây có tỷ lệ sống rất cao. Chỉ cần chăm sóc tốt là sau khoảng 5-7 tháng, một cây bố mẹ ban đầu có thể đẻ thêm 5 - 6 thân” - ông Hiển cho hay.
Đặc biệt, nếu như cây gừng núi đá trồng tự nhiên có chiều cao 60cm thì gừng cấy mô sau 2 năm chỉ cao khoảng 15cm nên rất tiết kiệm diện tích. Với diện tích hiện có, trước đây ông chỉ trồng được số cây rất ít, nhưng từ khi trồng giống gừng nuôi cấy mô tế bào, năng suất và sản lượng đều tăng lên nhiều.
Từ đầu năm đến nay ông mới bán hơn 50 chậu gừng núi đá. Trung bình 3 chậu thu được nửa cân củ bán với giá 500.000 đồng/kg, khách hàng chủ yếu ở địa bàn Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... Có khách hàng muốn mua lại toàn bộ hơn 500 chậu gừng núi đá nhưng ông nói giá 200 nghìn/chậu vì những chậu gừng này đều đang phát triển rất tốt, cây xanh và nhiều nhánh.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây gừng núi đá nên nhiều hộ gia đình cũng bắt đầu trồng giống cây này, nâng cao thu nhập. Qua đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Củ gừng núi đá thường được người dân giã, vắt lấy nước làm phụ gia bảo quản để thực phẩm được tươi lâu. Đặc biệt các món ăn truyền thống của người miền núi như lạp xưởng, thịt nướng sẽ rất thơm ngon nếu có gia vị là gừng núi đá.
Gừng núi đá còn được làm thành tinh bột dùng trong chế biến và là loại dược liệu quý có tính kháng sinh cao, dùng chữa các bệnh viêm nhiễm, xương khớp, bệnh tim mạch…
Do những đặc tính nói trên, cây gừng núi đá trong tự nhiên bị khai thác ồ ạt đến cạn kiệt. Để tìm được gừng núi đá, người ta phải bỏ nhiều công sức đi tìm và khai thác, nhưng cũng không tìm được số lượng lớn.