(Baonghean)- Bên cạnh nghề trồng rau xanh hàng hóa, những năm gần đây nông dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) còn có thêm nghề mới là trồng đào, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ.Lợi thế đầu tiên để người dân Nam Anh phát triển nghề trồng đào là điều kiện đất đồi núi, cát sỏi. Trước đây, đào Nam Anh mọc tự nhiên trong đồi núi, hàng năm người dân trong vùng vẫn chặt về để trưng trong nhà hoặc biếu bạn bè, người thân mỗi dịp Tết đến xuân về. Nắm bắt nhu cầu của thị trường ưa chuộng cây đào tự nhiên, pha lẫn nét xù xì của thân cây, đến nay toàn xã Nam Anh đã có 400 hộ dân đưa đào núi về trồng trong vườn nhà.Gia đình ông Nguyễn Tất Dương, xóm 9 là hộ đầu tiên đưa cây đào từ núi về vườn nhà trồng thành quy mô. Hiện tại, vườn đào nhà ông có trên 300 gốc đào đang ra nụ, đâm chồi, cây nào cũng phát triển đều và đẹp. Ông Dương phấn khởi cho biết, hiện 70% gốc đào trong vườn đã được khách đến đặt mua. Cây lớn nhất có thế, hoa, quả, lộc... giá 3 triệu đồng, cành nhỏ chỉ khoảng 600.000 đồng.Tại Nam Anh có những cây đào tuổi đời trên dưới 10 năm. Với những cây đào cổ này, rất nhiều khách đến đặt mua nhưng người dân không bán. Ngoài để giữ giống, mỗi cây đào cổ này cho ra 4-5 cây đào cành có chất lượng và bán rất được giá.

Trồng đào Tết - nghề mới của nông dân Nam Anh ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Dẫn chúng tôi vào vườn đào, ông Võ Huy Minh, người trồng đào lâu năm ở xóm 9, xã Nam Anh, cho biết: Muốn cành đào đẹp không phải cây cho ra cành nào là mình chặt ngay cành ấy, mà phải biết chọn lựa cành đẹp để bán thôi. Cành “còi cọc” hơn mình phải cưa sớm để dành dưỡng chất nuôi các cành còn lại trên cây. Với phương pháp chăm bón ấy, mặc dù vườn nhà chỉ trồng hơn 40 gốc đào nhưng cây nào cũng có thế đẹp và nụ nhiều. Nhiều đơn vị, cá nhân đã đến vườn đào nhà ông để đặt mua hàng, song ông chưa bán vì “đến Tết sẽ có giá cao hơn” - ông Minh chia sẻ.Kinh nghiệm trồng đào ở Nam Anh hết sức đơn giản, một phần bởi người mua ưa dáng đào tự nhiên, người trồng đào không phải cầu kỳ trong việc uốn thế. Cây đào ta lại dễ chăm sóc nên ngoài việc căn thời gian để bón phân, tuốt lá và ươm cây thì hầu như người trồng đào không phải đầu tư quá nhiều.Khác với những địa phương khác, để tạo cây mới phải dùng phương pháp chiết hoặc ghép cành, còn ở Nam Anh người dân lấy hạt của chính cây đào đó để đúc trồng nên cây mới. Để có hoa nở, quả ra đúng dịp Tết, người dân nơi đây còn tưới nước pha ấm hoặc bơm nước từ giếng khoan lên.Thế uốn lượn tự nhiên, thân cây hơi xù xì, hoa nở đều, hương thơm thoang thoảng, pha lẫn lộc và quả, bởi thế đào Nam Anh rất được người tiêu dùng chọn lựa. Cây đào chỉ thu hoạch vào dịp Tết, đem lại thu nhập từ 7-30 triệu đồng cho mỗi gia đình từ nghề trồng đào.Người dân Nam Anh rất yên tâm, phấn khởi trồng đào và có hướng mở rộng vườn đào bởi sản phẩm được tiêu thụ nhanh, người dân không phải đem cây đào đi bán mà khách thập phương tấp nập đến mua tận vườn./.

Bích Huệ -TTXVN