(Baonghean.vn) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân Nghĩa Đàn đã đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất, trong đó, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Đầu năm 2015, gia đình anh Lê Mạnh Cường ở làng Tân, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) mạnh dạn chuyển hơn 1,5 ha đất trồng mía sang trồng cỏ nuôi bò và cây ăn quả. Anh đã quy hoạch trồng 5 sào cỏ voi nuôi 7 con bò, trong đó có 4 con sinh sản; tính riêng thu nhập từ bò, mỗi năm anh có 40 - 50 triệu đồng.
Anh Cường cho biết, nhờ trồng cỏ nên chủ động được nguyên liệu, bò được cho ăn đầy đủ sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn chăn thả tự nhiên. Hơn nữa, những giống cỏ trồng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với cỏ tự nhiên.
Ngoài ra, trồng cỏ còn tránh được những rủi ro đáng tiếc như bò ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ sâu, nếu không may bị như vậy, nhẹ thì bò đau bụng, tiêu chảy vài ngày, nặng thì nông dân mất vốn.
Sau khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, gia đình anh Lê Văn Tuyên ở xóm Lác, xã Nghĩa Lạc đã chuyển gần 7 sào đất kém hiệu quả sang trồng cỏ và nuôi 8 con bò vỗ béo.
Anh cho biết, thời gian đầu, thức ăn cho bò là cây cỏ tự nhiên và cây ngô. Sau khi tìm hiểu biết được giống cỏ voi, cỏ sữa trồng để nuôi bò rất tốt, anh đã triển khai ngay. Ban đầu chỉ vài sào, sau đó mở rộng dần, đến nay anh đã trồng trên 7 sào cỏ.
Anh Tuyên cho biết thêm, cỏ voi và cỏ sữa sinh trưởng mạnh trên nhiều loại đất, có thời gian sinh trưởng 60 - 70 ngày cho thu hoạch lần đầu, thời gian trồng thích hợp là mùa mưa, đỡ phải tưới nước nhiều; trồng một lần thu hoạch kéo dài từ 4 - 5 năm.
Nhờ trồng cỏ mà có thể chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, thức ăn giàu dinh dưỡng nên vật nuôi phát triển tốt. Mỗi đợt, gia đình anh Tuyên nuôi vỗ béo từ 7 - 8 con bò, sau 5 - 6 tháng có thể xuất chuồng; trung bình mỗi năm xuất bán được 2 đợt, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Nghĩa Lạc là xã vùng sâu, vùng xa thuộc chương trình 135 với điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu từ cây mía nhưng hiệu quả kinh tế của cây trồng này mang lại thấp. Vì thế, xã vận động người dân mạnh dạn chuyển từ cây mía sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, bưởi, ổi.
Trong chăn nuôi, xã vận động người dân trồng cỏ, nuôi bò; khuyến khích các hộ nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản để tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Ông Lê Trọng Cán - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc cho biết: "Thời gian qua xã đã chuyển đổi một số diện tích trồng mía, cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi với diện tích 12 ha. Từ các mô hình trồng cỏ nuôi bò hiệu quả kinh tế cao, xã đã chỉ đạo cho các tổ chức hội đi tham quan học tập và nhân rộng trên địa bàn".
Cách trồng cỏ: Loại cỏ voi nuôi bò là loài sinh sản vô tính nên hầu hết được trồng bằng thân. Khi lựa chọn giống, tốt nhất bạn nên chọn loại bánh tẻ, cỏ không quá non và không quá già. Sau đó, chặt vát cỏ thành từng hom có chiều dài từ 20-25 cm/hom, mỗi một hom đặt khoảng 3-5 mắt mầm. Có một điều cần chú ý, cỏ không nên trồng luôn sau khi chặt mà nên để cỏ vài hôm trong điều kiện râm mát rồi mang đi trồng là tốt nhất. Nhưng nếu để cỏ quá lâu sau khi cắt thì cỏ cũng rất khó nảy mầm. Bên cạnh đó, do cỏ voi nuôi bò chủ yếu được trồng bằng hom nên khi thực hiện trồng bạn hãy để khoảng cách trồng 30 x 40 m và làm theo từng hàng để thuận tiện cho việc chăm sóc về sau. Cách bón phân: Cách bón phân cho cỏ voi nuôi bò cũng cần phải được chú ý. Tùy thuộc vào từng loại đất của từng vùng miền mà bạn lựa chọn phân bón sao cho phù hợp nhất. Thông thường, đối với 1ha cỏ cần bón khoảng 15-20 tấn phân chuồng, 250-300 kg super lân, 100-200 kg KCL, 400-500 kg ure trong khoảng thời gian 1 năm. Trong số các loại phân này, bạn nên sử dụng phân chuồng và super lân để bón lót. Phân KCL và ure dung cho bón thúc. |
Minh Thái