(Baonghean) - Sau 8 năm tại nơi ở mới, huyện Thanh Chương đã xác định được chè công nghiệp là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế lâu dài, bền vững cho người dân TĐC Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Được UBND tỉnh phê duyệt Đề án trồng chè tại 2 xã TĐC này, người dân ở đây đã hồ hởi đón nhận, diện tích chè ngày càng rộng dần...

Một ngày đầu năm Ất Mùi, chúng tôi “xông đất” 2 xã TĐC Thanh Sơn và Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương. Mặc dù không khí Tết vẫn còn phảng phất, hầu hết nhà nào cũng cửa đóng, cổng cài. Anh Lương Đức Thông, cán bộ nông nghiệp xã đi cùng, cho biết bà con nơi đây đã đón một cái Tết vui vẻ, an toàn, trên địa bàn xã không xẩy ra vụ tai nạn nào, trước Tết, gạo cứu đói của Nhà nước và quà của Chủ tịch nước đến với người nghèo sớm hơn mọi năm, nên nhà nào cũng đón Tết no đủ. Dịp này bà con đã lên đồi thu hoạch keo, làm cỏ, chăm sóc những vạt chè mới trồng. 

Vườn chè của gia đình ông Vi Tuyền Quynh ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương).

Tìm hiểu Đề án trồng chè của huyện tại địa phương, anh Thông hào hứng cho biết: Thực hiện Đề án trồng chè công nghiệp tại địa phương, năm qua bà con nông dân đã đăng ký và trồng được hơn 70 ha, đạt kế hoạch giao. Nhìn chung sau khi trồng, tỷ lệ chè sống từ 20 đến 50%, do một số gia đình nhận phải chè giống không đảm bảo chất lượng, đó là không có bầu, nên tỷ lệ cây chết khá cao. Năm 2015, bà con đã đăng ký trồng 100 ha, hiện nay bà con đang tiến hành đào rãnh. 

Ghé vào vườn chè của gia đình ông Lữ Văn Hiên, bản Thanh Hòa, chúng tôi thấy gia đình có trồng xen sắn trên rãnh chè. Ông Hiên phấn khởi cho biết, diện tích đất đồi này trước đây gia đình trồng sắn, mặc dù chi phí đầu tư không nhiều, nhưng đến ngày thu hoạch rất vất vả, vì phải thuê xe vận chuyển, giá cả thất thường. Năm ngoái, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trồng chè, gia đình đăng ký trồng được cả thảy 8 sào. Trong quá trình thực hiện trồng chè, được Nhà nước tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng chè kỹ càng, hỗ trợ 100% phân bón, giống và tiền đào rãnh. Theo hướng dẫn, gia đình đào rãnh rộng 40 cm, sâu hơn 30 cm, trồng cây cách cây 30 cm. Sau khi trồng, gặp thời tiết thuận lợi và giống chè có bầu đảm bảo, nên tỷ lệ cây chè sống trên 80%. Ăn Tết xong, gia đình sẽ tập trung nhân lực nhổ cỏ, xới xáo đất, cho chè phát triển khi trời có mưa rào. Gia đình hiện còn 8 sào đất đồi ở vùng khác, hiện đang trồng keo, chuẩn bị thu hoạch, do vậy năm 2015, gia đình đã đăng ký trồng nốt 8 sào đất còn lại. 

Để khẳng định lợi thế của cây chè trên đất Thanh Sơn, anh Thông đưa chúng tôi đến gia đình ông Vi Tuyền Quynh ở bản Tân Lập. Ông Quynh được bà con dân bản nể trọng, bởi là người tiên phong đưa cây chè về trồng trên đất TĐC này cho bà con làm theo.

Trò chuyện, ông Quỳnh vui vẻ cho biết: Tháng 8 năm 2006, thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước là di dân để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, ông xung phong đi trước. Đến nơi ở mới, ông nhận thấy vùng đất này có thể trồng được cây chè công nghiệp, ông tự thân đến học hỏi kinh nghiệm từ một số hộ dân bản địa. “Khi mới ra ở, tui thấy người dân ở đây trồng nhiều đồi chè đẹp lắm, tui liền đến nhà ông Trần Đình Đồng để học hỏi cách trồng, chăm sóc chè. Thấy tui ham học hỏi, cả gia đình ông Đồng bày tỉ mỉ cách đào rãnh, cách trồng và chăm sóc. Có được kinh nghiệm, năm 2008, tui trồng 4 sào chè, thấy phát triển tốt, sang năm 2010 trồng tiếp 14 sào đất còn lại. Hiện nay, toàn bộ 18 sào chè công nghiệp của gia đình tui đã cho thu hoạch...”. Ông Quynh còn cho biết mỗi năm thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa được 2 tấn chè búp tươi, cả năm bán nhập được trên 40 triệu đồng, trừ chi phí phân bón khoảng 1/3 doanh thu vẫn còn lãi trên 26 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Quynh còn tận dụng đồi chè để chăn nuôi gà thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Được Nhà nước hỗ trợ, ông Lữ Văn Hiên, bản Thanh Hòa trồng được đồi chè rộng 8 sào.

Xã Thanh Sơn có 1.187 hộ, 82% là đồng bào dân tộc Thái, gồm có 16 bản, đều là TĐC Thủy điện Bản Vẽ. Ngay từ khi đến nơi ở mới cho đến nay, mặc dù phần lớn số hộ đã được giao đất lâm nghiệp, nhưng đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, do không quen với tập quán sản xuất mới, đặc biệt là diện tích trồng lúa nước rất ít, không chủ động lương thực. Từ trước đến nay, hầu hết bà con trồng keo, sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, phát triển cây chè công nghiệp là cây trồng dài ngày đã được huyện, tỉnh chọn để đầu tư.

Trao đổi với ông Lô Trung Thông - Chủ tịch UBND xã được biết: Theo Đề án phát triển vùng chè của UBND tỉnh, xã Thanh Sơn được quy hoạch có 320 ha chè công nghiệp, kế hoạch kết thúc đề án vào năm 2017, nhưng địa phương phấn đấu kết thúc vào năm 2016. Sau 1 năm thực hiện, bà con ở đây rất phấn khởi thực hiện, năm 2014 Thanh Sơn đăng ký trồng 73 ha chè, nhưng thực hiện được 70 ha (không đạt kế hoạch). Nguyên nhân, do một số hộ gặp cảnh ốm đau đột xuất, hoặc đất đai không phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Thông phản ánh, ở nhiều hộ tỷ lệ cây chè sống chỉ đạt 60%, vì giống chè không đảm bảo, nhiều cây chè giống không có bầu, nên sau khi trồng xuống, gặp khí hậu khô nóng, cây đã không sống được.

Theo ông Thông, để Đề án trồng chè tại địa phương đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đặc biệt là tổ chức tập huấn tại từng bản để bà con tham gia đầy đủ hơn. Các đơn vị cung ứng giống, yêu cầu 100% phải có bầu, mới đảm bảo tỷ lệ cây giống sống cao. Nhà nước cũng cần quan tâm đến khâu tiêu thụ chè búp cho bà con sau này.

Theo ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm: Ở đây bà con nông dân cũng hồ hởi thực hiện Đề án trồng chè của huyện. Nhiều hộ đã thu hoạch non vườn keo lấy đất đào rãnh trồng chè. Sau khi thấy nhiều hộ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón, tiền công làm đất, trồng được đồi chè đẹp, nhiều hộ xin đăng ký trồng chè trong năm nay, với diện tích đã đăng ký hơn 100 ha. Đây là cơ hội để người dân TĐC sau này có nguồn thu hoạch hàng năm, ổn định cuộc sống lâu dài. 

Anh Lê Đình Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Thanh Chương, cho biết: Phát triển cây chè công nghiệp tại 2 xã TĐC này là đúng hướng, khai thác được tiềm năng đất đồi. Do vậy, năm 2013 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án trồng chè tại 2 xã TĐC này, tổng diện tích quy hoạch 534 ha, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, thực hiện từ đầu năm 2014, kế hoạch kết thúc vào năm 2017. Với mức kinh phí này, bà con nông dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, công tác tập huấn và hỗ trợ tiền công làm đất. Lúc đầu triển khai đề án, cán bộ nông nghiệp huyện cùng với các ban, ngành liên quan phải mất nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng keo, sắn sang trồng chè. Bởi vì, trước đó người dân đã trồng sắn, keo trên đất lâm nghiệp, hàng năm cho thu hoạch, giờ chuyển sang trồng chè, phải sau 3 năm mới cho thu hoạch, rõ ràng bà con lo ngại trong thời gian chăm sóc chè cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Vừa tuyên truyền, vừa tổ chức tập huấn để nhiều người dân nắm bắt cơ hội, xung phong làm trước. Do vậy, sau 1 năm triển khai đề án, bà con nông dân 2 xã này đã trồng được 140 ha chè, là giống chè địa phương, do người dân một số hộ trong huyện ươm, cung ứng.

Cuối năm 2014, nông dân 2 xã này đăng ký trồng 200 ha, hiện nay bà con chuẩn bị đất, đào rãnh, huyện cũng đã liên hệ với một số hộ chuyên ươm cây giống để cung ứng cho bà con. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay huyện đặt 100% số cây giống có bầu cho bà con trồng, nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Theo anh Thanh, với công tác chỉ đạo sát sao của huyện và xã, cùng với sự hưởng ứng của người dân, Thanh Chương phấn đấu kết thúc Đề án trồng chè tại 2 xã TĐC vào năm 2016. Sau khi đề án trồng chè tại 2 xã này kết thúc, huyện Thanh Chương có hơn 5 nghìn ha chè công nghiệp, hàng năm thu hái hàng chục nghìn tấn chè búp tươi, phục vụ cho việc chế biến chè khô cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xuân Hoàng