Đặt chậu cây trong nhà, công sở hoặc bệnh viện giúp con người cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, bệnh nhân chịu đau tốt hơn.
 
Theo Health, phương thuốc cho cuộc sống khỏe mạnh rất đơn giản mà hiệu quả là trồng cây xanh trong nhà. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh phong cách sống xanh trong chính ngôi nhà của bạn mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt giúp giảm stress, cải thiện tâm tính và làm sạch không khí rất tốt.
 
images1473180_cay_nhen_5786_1456708119.jpgCây nhện trồng trong nhà giúp lọc không khí, làm giảm stress, cải thiện sức khỏe. Ảnh: Health.
"Bạn không cần đi ủng để lội ra ngoài ngắm cảnh thiên nhiên để tận hưởng giây phút thư giãn thoải mái mà chỉ cần đặt chậu cây trong nhà, trên bậu cửa sổ. Cây trong nhà giúp cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần", các chuyên gia Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh khuyên.
 
Kết quả nghiên cứu mới công bố cho thấy, cư dân thành thị ngày nay bỏ ra khoảng 90% thời gian ở trong 4 bức tường nhà hoặc công sở, bệnh viện. Do vậy việc “mang cây xanh vào trong nhà” mang lại nhiều lợi ích khi con người không có thời gian ra ngoài để tận hưởng thiên nhiên.
 
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy người lao động sẽ tăng năng suất lao động nếu làm việc trong môi trường công sở có nhiều cây xanh. Người bệnh nằm viện sẽ chịu đau tốt hơn nếu có cây xanh trong phòng. Đó là nhờ cây xanh có tác dụng "bẫy" và lọc chất gây ô nhiễm được chứng minh liên quan đến hàng nghìn ca tử vong mỗi năm.
 
Leigh Hunt, chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh, đồng tác giả của bài báo cáo cho rằng cây càng chịu được bóng râm và nhiệt độ thất thường, bề ngoài cây trông càng bắt mắt thì càng mang lại nhiều ích lợi cho con người. Trong đó cây nhện là sự lựa chọn tốt nhất, ngoài ra cây thường xuân cũng được nhiều gia đình người Anh trồng trong nhà.
 
“Chúng ta nghĩ cây xanh rất thụ động, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng có lợi cho sức khỏe con người”, Leigh Hunt nói. Giá trị lớn nhất của cây mang đến là lợi ích về tinh thần, sự hiện diện của thực vật giúp làm giảm stress, lo âu và mệt mỏi.
 
Nhóm nghiên cứu cho rằng cây xanh có thể cải thiện sức khỏe tâm thần, bao gồm cả thời gian phản ứng và độ tập trung. Một nghiên cứu của Đại học Bang Washington ghi nhận sự hiện diện của cây xanh trong phòng giúp con người tăng tốc độ phản ứng khi làm việc với máy tính lên 12%. Cây đặt trong phòng học giúp làm giảm huyết áp của sinh viên và tăng độ tập trung.
 
Các nhà khoa học viết trong tạp chí Người làm vườn rằng: “Cây xanh trong nhà hút các chất ô nhiễm không khí cả ở dạng hạt và dạng khí, làm cho chất lượng không khí tốt hơn và sức khỏe cải thiện”. Các nghiên cứu xuất bản bởi Đại học Y Hoàng gia Anh ước tính ô nhiễm không khí trong nhà làm tử vong 99.000 trường hợp mỗi năm ở châu Âu. Thực tế, các sản phẩm dùng trong nhà bếp, thiết bị đun nấu, thuốc xịt diệt côn trùng, máy làm sạch không khí, chất khử mùi và chất tẩy rửa làm cho chất lượng không khí trong nhà càng tồi tệ. Đó là tác nhân gây kích thích mắt, mũi, họng, gây đau đầu, các vấn đề liên quan đến tình trạng da và hô hấp.
 
Một nghiên cứu bởi các nhà khoa học của NASA phát hiện, cây xanh hấp thụ và phá hủy hầu hết các hóa chất độc hại thông qua lá của chúng, tạo ra hệ sinh thái trong nhà có lợi cho sức khỏe. Họ nhận thấy chỉ cần cần đặt 3 cây xanh trong nhà là đã có thể cải thiện không khí nơi sinh sống.
 
Năm 2008, một nghiên cứu của Trường Đại học tổng hợp Kansas cho thấy người bệnh nằm viện điều trị mà có cây xanh trong buồng bệnh thì dùng thuốc giảm đau ít hơn, tức là gia tăng khả năng chịu đau. 
 
Tổng hợp các bằng chứng khoa học, nhóm nhà nghiên cứu của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh kết luận: “Các nghiên cứu từ trước đến nay đều chỉ ra rằng cây xanh trong nhà có nhiều lợi ích đối với con người bao gồm cả về tinh thần và thể chất với tỷ lệ rất thấp các phản ứng phụ. Đặt cây xanh trong nhà là một trong những thay đổi đơn giản nhất có thể giúp cải thiện môi trường, biện pháp thực tế và khả thi có thể hỗ trợ nâng cao sức khỏe con người".
 
Lưu ý, mang cây ra khỏi phòng vào ban đêm để không bị ảnh hưởng bởi "nhịp sinh học" nhả khí CO2 của thực vật.
 
Theo SKĐS