Về các xã Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn của huyện Anh Sơn những ngày này, trên các cánh đồng ven bãi sông Lam được phủ kín màu xanh của cây bí đỏ.
Chị Nguyễn Thị Vân ở thôn 4, xã Cẩm Sơn chia sẻ: Những năm trước đây, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bí đỏ trên đất bãi ven sông Lam. Vụ Đông này, gia đình trồng 2 sào giống bí đỏ F1 868. Với giá hiện tại 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Vân cho thu lãi trên 10 triệu đồng, chưa kể tận thu thêm từ hoa bí và ngọn bí lúc đầu vụ.
Bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn cho biết: Vụ đông năm nay gia đình bà trồng 3 sào trên đất bãi. Gia đình đã bán được 4 tấn quả, với giá bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, cho gia đình bà thu về trên 20 triệu đồng. Đầu ra của sản phẩm không phải lo vì vào mỗi vụ thu hoạch “đến hẹn lại lên” thương lái khắp nơi vào tận ruộng thu mua.
Hiện nay toàn huyện Anh Sơn có hơn 50 ha bí đỏ, được trồng nhiều ở các xã như Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Tào Sơn, Thạch Sơn, Lĩnh Sơn. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, bí đỏ là cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn. Mặt khác, đây là cây trồng ít sâu bệnh, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp.
Ngoài ra ngọn, hoa bí cũng là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ cho bà con nông dân. Theo đánh giá, trung bình 1 ha bí đỏ cho thu hoạch 30- 40 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/ha.
Để cây bí đỏ trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông, huyện Anh Sơn đã định hướng cho bà con mở rộng diện tích gieo trồng theo vùng nhất là ở diện tích đất bãi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con nông dân.