(Baonghean) - Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, mô hình trồng bí đỏ của hộ anh Nguyễn Văn Hiếu ở xóm 2, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) đem lại hiệu quả kinh tế khả quan so với các cây trồng truyền thống trên đất bãi...

Chúng tôi thăm mô hình trồng bí đỏ của anh Nguyễn Văn Hiếu, những ngày này, anh đang đợi tư thương về nhập bí. Cánh đồng bí trên 2 ha bạt ngàn xanh non mơn mởn, cây nào cũng trĩu quả. Sau hơn 4 năm công tác tại Công ty CP Stevia Á Châu, anh Nguyễn Văn Hiếu đã tích lũy cho mình vốn kiến thức nhất định về một số mặt hàng nông sản chủ lực được tiêu thụ trên thị trường. Sau khi tìm hiểu thực tế quê nhà Hưng Xá, anh nhận thấy vùng đất bãi rộng lớn song lâu nay người dân chỉ sản xuất tối đa 1 vụ/năm.

Đầu năm 2013, cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã Hưng Xá tập trung khoanh vùng, vận động các hộ bà con nhận thầu đất bãi để xây dựng mô hình kinh tế, anh Hiếu bàn với gia đình mạnh dạn thầu 7 ha đất bãi trên địa bàn xóm 2. Anh tập trung trồng 2 ha bí đỏ, 1 ha ngô, 2 ha dưa hấu và nuôi 10 con trâu, bò. Cây bí đỏ trên đất bãi đã đánh thức tiềm năng và thế mạnh vùng đất bãi ven sông vốn đầy rủi ro, trắc trở. 

 Mô hình trồng bí đỏ trên đất bãi cho hiệu quả cao của anh Nguyễn Văn Hiếu, xóm 2, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên).
Mô hình trồng bí đỏ trên đất bãi cho hiệu quả cao của anh Nguyễn Văn Hiếu, xóm 2, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên).

Bí đỏ không phải là cây lựa chọn ban đầu, khi tiếp nhận đất vụ đầu tiên anh trồng thử nghiệm ớt cay, rau màu, song do chi phí lớn, thị trường đầu ra bấp bênh nên các loại cây trồng này không phù hợp. Anh quyết định tìm đến mô hình trồng bí đỏ. Theo phân tích của anh, bí đỏ dễ thích nghi, chỉ cần tránh thời tiết hạn hán, mưa lạnh, giá cả lại ổn định. Vào độ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai dương lịch trời tiết ấm dần, bắt đầu triển khai trồng, sau hơn 2 tháng là có thu hoạch. Để cây bí đỏ cho năng suất cao, theo anh Hiếu khâu chọn giống rất quan trọng. Kinh nghiệm của anh không mua giống tại các điểm dịch vụ bán lẻ, không rõ nguồn gốc... Anh tìm đến công ty giống có uy tín để chọn mua, chẳng hạn như Công ty CP giống Én Vàng (Hà Nội), mặc dù giá cả có thể cao gấp đôi so với ngoài thị trường song chất lượng hạt giống đảm bảo. 

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp nâng cao hiệu quả cây trồng trên đất bãi 

Khi xây dựng mô hình trồng cây hàng hóa trên đất bãi, anh Hiếu anh đã chủ động đầu tư gần 100 triệu đồng cho hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước từ Sông Lam và hệ hống điện thắp sáng ra tận bãi, phục vụ cho việc chăm bón cây trồng . Nhờ đảm bảo công tác tưới tiêu, chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật nên mô hình trồng bí đỏ của anh cho năng suất cao. 

Sau Tết nguyên đán đến nay, anh Hiếu đã xuất bán 10 tạ bí quả, ước 2 ha bí cho thu hoạch 20 tấn quả, với giá bán 5 - 6 ngàn đồng/kg, anh có doanh thu gần 100 triệu đồng, trừ đi chi phí lãi trên 80 triệu đồng (trong 4 tháng). Theo tính toán của anh Hiếu, cũng trong thời gian 4 tháng, nếu đầu tư 1 sào ngô trên đất bãi, chi phí gồm phân, giống, thuốc trừ cỏ, công lao động hết 800 ngàn đồng/sào, năng suất ngô đạt 2 tạ/sào, với giá bán 6 ngàn đồng/kg cho thu nhập 1,2 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi ròng 400 ngàn đồng/sào. Trong khi đó trồng bí đỏ chi phí cũng tương tự năng suất bí đạt 8 tạ/sào, với giá bán bình quân 5 ngàn đồng/kg cho thu nhập 4 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi 3,2 triệu đồng/sào, gấp 7, gấp 8 lần trồng ngô. Trồng bí đỏ có thể thu hoạch rải vụ để tránh tình trạng ứ hàng , ngoài ra ngọn, hoa bí cũng là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ.

Theo anh Hiếu, sau khi thu hoạch bí đỏ trên đất bãi, có thể trồng ngô, trồng vừng và chăn thả trâu, bò. Tháng 9 trở đi khi thời tiết mưa lụt qua đi tiếp tục làm rau vụ đông, làm bí đỏ, súp lơ liền vụ đến ra Tết để có sản phẩm hàng hóa thường xuyên bán ra thị trường với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Hiệu quả mô hình trồng bí đỏ của anh Hiếu đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi nếu biết lựa chọn cây trồng đúng hướng và biết chú trọng đến công tác đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo tập quán lâu nay, do tính rủi ro cao, mỗi năm , bà con nông dân các xã nằm ven bãi sông Lam chỉ canh tác mỗi năm 1 vụ xuân trồng các cây truyền thống như ngô, lạc, khoai lang song hiệu quả chưa cao. Để đánh thức tiềm năng đất bãi, hiện nay, UBND huyện Hưng Nguyên đang xây dựng đề án phát triển kinh tế vùng bãi theo cơ chế hỗ trợ gần 1 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách huyện cho từng khu vực.

Ông Hoàng Đức Ân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện khuyến khích việc phát triển kinh tế vùng bãi ven sông Lam trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện, nước để phát triển và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất bãi theo hướng hàng hóa như bí xanh, bí đỏ, bầu, cà rốt, ớt cay, đặc biệt, tại các địa phương có lợi thế về tập quán thâm canh như Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Xá. Đối với các mô hình có hiệu quả đã được người dân triển khai, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ dựa trên cơ sở hiệu quả sản xuất. Mục tiêu của huyện là nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng mô hình trang trại, gia trại kết hợp để nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Lương Mai