(Baonghean) - Đã bao lần lại qua trên con đường ấy, cả con ngõ nhỏ có dậu mồng tơi vươn xanh, quấn quýt lấy những bờ tường thấp cũ, nhưng đến giờ, tôi mới biết ông. Là lỗi tại tôi, mình đã sống thật vội, để những điều đẹp đẽ xung quanh lướt qua như giấc mơ. May mắn thay, giờ đây, giấc mơ ấy đang hiện hữu: giấc mơ có người đàn ông tóc bạc trắng và nụ cười nhân hậu, suốt 40 năm nay dang tay đón lấy những phận người lạc lối, cơ nhỡ...

Ông Thành (trái) vui mừng gặp lại ân nhân.

Ông là Nguyễn Văn Tý, nhà ở khối 14, phường Trung Đô, TP. Vinh. Ngôi nhà chưa gắn số, khuất sau tít tắp hẻm nhỏ ngoằn ngoèo với những khối nhà lồi lõm, cao thấp bao quanh, thế mà lại dễ tìm đến vô cùng. “O hỏi nhà ông Tý làm việc tốt chi? Ở đây ai nỏ biết, đi hết đường ni, qua cả nhà văn hóa khối, đi sâu vô trong nữa, nhìn cái nhà cũ cũ có vườn rau phía trước là nhà ông đó!”- một người hàng xóm đang xách làn đi chợ sớm, vẫn quay lại nhiệt tình chỉ lối. 

Lúc chúng tôi đến, ông Tý đang sửa soạn đồ nghề cho buổi câu xa. Vài lưỡi câu đủ kích cỡ, một hộp mồi nhiều ngăn, cuộn dây lỉnh kỉnh với những phao câu... nằm gọn trong chiếc túi dết bằng vải bố bạc màu. “Mấy o đến muộn tí nựa là tui đi rồi, mai mới gặp được. Mà răng cũng như có linh cảm, chơ bình thường tui đi câu lúc 4, 5h sáng, bựa ni cứ thấy bồn chồn trong người nên nán lại muộn hơn.”- ông Tý cười xòa, bàn tay phải thoăn thoắt gói ghém, cất đặt mọi thứ thật ngăn nắp. Để ý mới thấy, mọi việc ông Tý làm chỉ với một bàn tay, còn tay kia đã cụt quá bàn- “là thương tích từ thuở nhỏ, trong một lần tui đi kéo mía với bố, lóng ngóng răng lại bị xe mía kéo vào guồng!”- ông Tý chia sẻ. Từ năm 12 tuổi, ông đã sống và lao động với chỉ một bàn tay duy nhất, chưa bao giờ cho phép mình phiền lụy đến ai vì khiếm khuyết của bản thân mình. Cũng như câu cá, với ông không phải là thú chơi, mà là kế mưu sinh. Mỗi lần đi, nhanh thì qua đêm, còn lâu thì vài ngày, vài tuần, vài ba tháng. Những lúc gác cần, ông sấp ngửa với nghề xe lai kiếm sống. “Đời tui, nỏ mấy lúc thảnh thơi, thành thử, dừ nếu ông trời cho thảnh thơi, khéo khi lại không quen!”- ông tếu táo.

Thế mà, cái sự chẳng mấy khi được thảnh thơi ấy, lại được ông thuật lại bằng lối thong dong, nhàn nhã, thi thoảng, ngụm nhân trần ngọt hậu lại góp thêm chất dẫn cho câu chuyện cuộc đời của ông lão ngoại lục tuần. Quê gốc ở Hưng Nguyên, sinh ra và lớn lên ở phố Vinh, ngay trên chính mảnh đất nông nghiệp xã Vinh Tân xưa kia. Bố mẹ ông làm nghề nông, đến đời ông, cũng lại theo bố mẹ ra đồng, gắn với cây lúa như nghiệp sinh cơ không thể khác. Tuổi thơ lam lũ, nghèo khó nhưng ngập tràn niềm vui giản dị của một gia đình yên ấm, và hơn hết, ông Tý bảo, ông tự hào vì bậc thân sinh đã để lại cho ông di sản quý giá hơn tất thảy: đó là những việc làm thiện nhân, hoàn toàn không vụ lợi. Vẫn còn in trong ký ức, là buổi trưa hè năm ông lên 10 tuổi, hình ảnh người cha bước thấp, bước cao dìu theo một bà già lẩn thẩn, ở quê lên phố thăm con mà đi lạc. Ông cụ đón bà về nhà, giục vợ con bắc nồi cháo hoa mời bà ăn cho ấm bụng, rồi chăm sóc, hỏi han tìm địa chỉ báo cho người con đến đón mẹ. “Lúc mẹ con họ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, bà cụ òa khóc ôm lấy con... Hình ảnh nớ tui nhớ mãi, ám ảnh mãi, cảm thấy hạnh phúc của họ cũng giống như đang lan sang mình. Cha tui dạy, tiền bạc mấy cho vừa, chỉ có tình người là quan trọng nhất”- ông Tý trầm ngâm.

Và suốt cả quãng gian truân sau này, khi đã trở thành người đàn ông rắn rỏi trước những vui buồn của cuộc đời, ông Tý vẫn chưa một giờ khắc nào quên lời dạy ấy. Hơn 40 năm nay, không thể tính đếm được ông đã đón về ngôi nhà cũ kỹ, chật hẹp của mình biết bao người già, trẻ nhỏ, cả thanh thiếu niên nhỡ độ đường, lạc bước, mồ côi; chăm sóc họ từ miếng ăn, giấc ngủ như người thân trong gia đình. Không chỉ có ông, vợ ông - bà Đặng Thị Thọ, cũng trở thành người đồng hành trên con đường thiện nghĩa của chồng mình. “Tui cũng nỏ nghị chi sâu xa, nhà thì nghèo thật, nhưng cứ thấy họ đi lang thang, lạc đường là mình thương. Ông đưa về là tui cứ cơm nác đàng hoàng, làm việc tốt chơ không khuất tất chi mà ngăn cản”- bà Thọ trần tình bằng chất giọng thẳng thắn. 

Bà bán hàng nước ngay trước vỉa hè đối diện Cung Lễ Hội. Một xe hàng bằng sắt cũ gá lại, dăm miếng ván, đôi ba chiếc ghế nhựa, ấm nước chè xanh và hộp kẹo lạc lóc xóc, thế là cũng thành chốn gửi chân của nhiều thực khách. Quán nước di động của bà bắt đầu mở từ 5h chiều nay đến mờ sáng ngày mai, thế nên vô tình hay hữu duyên, bà Thọ lại rất hay bắt gặp những trường hợp đặc biệt: người già lẩn thẩn đi lạc, trẻ con lạc bố mẹ, thanh niên phẫn chí bỏ nhà đi... Gặp nhiều đến nỗi, bà tự nhận rằng mình có “kinh nghiệm” lắm để phán đoán chính xác trường hợp nào là thật, là dối để có hướng giúp đỡ họ. “Vừa mới tháng trước đây thôi, có ông già đạp xe sang chơi nhà con mà đi lạc, ông nhà tui bắt gặp lại đưa về nầy!”- bà Thọ vui chuyện kể.

Đang dở câu nói, bỗng từ phía cổng nhà reo vang mừng rỡ tiếng gọi: “Ông Tý ơi, ông Tý ơi… Tui, Thành đây!” Bất ngờ thay, thì ra là ông Đào Xuân Thành- ông lão đạp xe đi lạc trong câu chuyện của bà Thọ, được con trai chở đến thăm ân nhân của mình. Ông Thành xấp xỉ tuổi ông Tý. “Bố tôi tuổi chưa phải đã cao nhưng bị chứng trí nhớ giảm sút sau một tai nạn. Bình thường, ông vẫn tự đạp xe sang nhà thăm cháu được, hôm đó không hiểu sao ông quên hẳn đường đi dù chỉ cách quãng rất ngắn. Từ xóm 19 Nghi Phú, ông đạp xe lạc xuống tận ngã ba Khách sạn Phương Đông, may mắn cho gia đình, ông gặp được ông Tý đây, hiểu hoàn cảnh và cưu mang, chăm sóc ông, tìm mọi cách liên lạc với gia đình. Nếu không có ông Tý, không biết giờ này, gia đình tôi hoang mang, lo lắng đến thế nào!” - anh Đào Xuân Cường - con trai ông Thành tâm sự.

Vợ chồng ông Tý.

Câu chuyện tìm thân nhân cho ông Đào Xuân Thành trở thành kỷ niệm khó quên trong đời làm việc nghĩa của ông Tý, bà Thọ. Bởi thời điểm gặp ông Thành, ông không hề nhớ chút manh mối thông tin nào để lần ra tung tích người thân. “Ông Thành chỉ nói là nhà ông có sân bóng, con trai hay ra đi bộ buổi sáng. Thế là đêm ấy, tui chở ông đi đến tất cả khu vực có sân bóng trong thành phố này, đi đến tận 2h sáng, mệt quá mới chở nhau về nghỉ. Sáng mai, mấy đứa con tui nhờ cô giáo ở gần nhà, chụp ảnh ông rồi đăng lên mạng xã hội. Mãi sau, ông Thành mới nhớ ra chi tiết tên người con, rứa là lại nhờ vả, gọi điện một vòng, may sao cũng tìm được sớm!”- ông Nguyễn Văn Tý nhớ lại.

Giờ đây, tôi tình cờ trở thành người chứng kiến niềm vui, niềm hạnh phúc hạnh ngộ của những con người xa lạ, giờ đã trở thành người thân quen và gần gũi. Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười rổn rảng cùng những câu chuyện nối dài không dứt. Nói như anh Đào Xuân Cường, thì nếu không có sự hữu duyên này, thì anh đã không có thêm bài học lớn, niềm tin lớn về lòng tốt của con người trong cuộc sống này. “Xã hội vẫn còn nhiều người tốt lắm, tôi sẽ luôn nhắc nhớ các con tôi về tấm gương của của ông Tý, bà Thọ để tự răn mình”- anh Cường khẳng định.

“Gần trọn cuộc đời làm việc nghĩa, đã lần nào, ông bà giúp sai, hoặc gặp trường hợp nào trái tính, xấu bụng mà đối xử với mình không phải chưa?” - tôi hỏi. Thoắt lặng yên, ông Tý, bà Thọ không giấu được thoáng buồn trong khóe mắt, khẽ nói: “Làm răng tránh được o, có chơ. Như có trường hợp một cậu thanh niên, cứ đi qua, đi lại trước quán nước bà Thọ ra vẻ bồn chồn lo lắng lắm. Cậu chàng khai là bị lừa đi lao động trong miền Nam, bị chủ bạo hành quá, mới liều trốn về đây, nhưng đi xe hết tiền rồi. Bà Thọ thương tình đưa về nhà nấu cơm cho ăn, đưa áo quần sạch của thằng Nhật (anh con trai đầu của ông bà - P.V) cho mặc. Rứa mà chiều về, đạ nghe báo là hắn đi trộm cắp ở mô mô, bị công an bắt, lại khai là con bà Thọ ông Tý! Rồi chuyện mô cũng vô đó thôi, nhưng nói chung cũng có những lúc “làm phúc phải tội”.

Một khoảng lặng yên dài trong câu chuyện kể... Tôi hiểu rằng, chút gợn nghĩ suy ấy rồi cũng qua nhanh thôi, như hơn 40 năm nay, nó đã chẳng là gì trong  chuỗi dài miệt mài mưu sinh và miệt mài làm việc nghĩa của ông bà. Ông bà có 5 người con, thì cả 5 người giờ đây cũng đang tiếp nối những việc thiện nguyện của bố mẹ mình. Tôi ngồi đối diện họ trong ngôi nhà hắt hiu ánh sáng. Ngôi nhà nhỏ lắm, những vật dụng giản tiện và cũ kỹ, chỉ hai chiếc giường đơn kê chéo góc, nối liền sau là nhà bếp chất chồng những tấm tôn, tấm bạt xanh đỏ, chắc hẳn là để gia cố che nắng, che mưa? Bà Thọ chỉ cho tôi chiếc giường “chuyên” dành cho khách, là chiếc giường đôi chắc chắn, với đầy đủ gối, nệm sạch sẽ và được ưu ái có riêng chiếc quạt điện mới tinh. Hai ông bà đều không có lương hưu, đến thời điểm này, đã quá lục tuần, vẫn bươn bả mưu sinh trên phố. Tôi đã nhìn sâu vào đôi mắt của họ, hai người già nhân hậu gần trọn cuộc đời làm những việc tốt cho người, mà không hề mưu lợi gì và tự hỏi: động lực nào đã khiến ông bà quên đi hoàn cảnh vất vả của mình, tự nguyện gánh thêm cả những nhọc nhằn ngoài phố? Mà có lẽ đó, cũng là lời tự vấn vô duyên, chúng ta thường mất quá nhiều thời gian để suy tính đúng sai, hơn thiệt, để rồi làm lỡ đi nhiều cơ hội giúp người, giúp đời, nhân lên những niềm tin về tính thiện lương trong cuộc sống xô bồ này...

Bài, ảnh: Phương Chi - Thu Hương