Tròn 1 năm sau cuộc bỏ phiếu Brexit, tương lai nước Anh vẫn bất định trong khi EU dường như đang dần vượt qua khủng hoảng.
Với kết quả khá sít sao 52% phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu, nước Anh đã “dứt áo” rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu bất chấp sự níu kéo cùng cảnh báo của các thành viên còn lại.
Kết quả cuộc bỏ phiếu đã mở màn cho những chiến dịch ăn mừng không chỉ tại nước Anh mà còn cả lực lượng chống châu Âu trên khắp châu lục, tạo ra cơn địa chấn đối với nền kinh tế toàn cầu.
“Ra đi và giành lại quyền kiểm soát” đó là tiêu đề được đăng trên Tạp chí Điện tín hàng ngày của Anh sau kết quả cuộc bỏ phiếu, miêu tả ngày 23/6/2016 là ngày của người dân Anh kiểm soát lại đất nước của chính mình.
“Độc lập và tự chủ” là hai từ được nói đến nhiều nhất khi đề cập việc Anh rời EU. Tuy nhiên 1 năm sau ngày lịch sử, giới quan sát nhận định, nước Anh đang mất dần kiểm soát, với việc đối mặt hàng loạt các thách thức trong 1 năm qua.
Mặc dù tác động về kinh tế và tài chính sau quyết định Brexit tại Anh trong một năm qua chưa thực sự rõ ràng, nhưng nước Anh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Thay vì hợp tác cùng nhau để tạo ra một kết quả Brexit theo mong muốn, ông Boris Johnson and Michael Gove- 2 lãnh đạo hàng đầu của phong trào Brexit đã tham gia vào một cuộc đấu đá quyết liệt để giành chức lãnh đạo Đảng bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng sau khi Thủ tướng David Cameron từ chức.
Cuối cùng, bà Theresa May- một người ủng hộ kế hoạch ở lại EU- được chọn làm người đứng đầu chèo lái con thuyền đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, ngoài câu thần chú “ Brexit có nghĩa là Brexit” và sau đó là “không thỏa thuận còn tốt hơn là thỏa thuận tồi” để trấn an người dân, Thủ tướng không có một kế hoạch cụ thể và rõ ràng cho cho việc Anh rút khỏi khối 510 triệu người này.
Trong một quyết định khiến cho tình hình tồi tệ hơn, chỉ vài tuần trước khi Anh khởi động đàm phán Brexit, bà Theresa May đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Canh bạc chính trị này bị đánh giá là thất bại, cùng với hàng loạt các vấn đề trong nước, khiến vị trí của Thủ tướng đang lung lay hơn bao giờ hết và Đảng bảo thủ phải chật vật đàm phán với Đảng DUP của Bắc Ireland để thành lập Chính phủ.
Điều này đang đặt tương lai nước Anh cũng như cả tiến trình Brexit vào bất ổn xa hơn. Với chi tiêu tiêu dùng giảm, tăng trưởng đình trệ, lương tuần giảm, lạm phát tăng, hiện có mối lo ngại thật sự rằng thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận với các đối tác châu Âu sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Anh.
Phát biểu trước Hạ viện Anh trong tuần qua, Thủ tướng Theresa May thừa nhận những thách thức mà nước này đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết.
“Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong tương lai. Đất nước của chúng ta đang bị chia rẽ. Hiện bây giờ là thời điểm để chúng ta quyết định lựa chọn sự chia rẽ hay giúp đất nước vượt qua khó khăn hiện nay.
Chính phủ sẽ nỗ lực để tìm ra giải pháp. Chúng ta sẽ làm mọi điều có thể trong lợi ích quốc gia và tôi sẽ hợp tác với bất cứ đảng nào mong muốn hướng đến mục tiêu này”, bà Theresa May nói.
Trong khi nước Anh dường như đang trệch khỏi đường ray sau quyết định rời khỏi EU, Liên minh châu Âu lại chứng minh một bức tranh hoàn toàn khác so với nhận định trước đó.
Khi kết quả cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU được công bố, truyền thông Anh đã sơn một bức tranh ảm đạm của EU, với những mảng màu “ chia rẽ”, “đổ vỡ” và “đang chết dần”.
Nhiều báo còn nhận định, EU rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 59 năm của liên minh, với “ ngọn lửa Brexit” có thể thiêu cháy toàn bộ châu lục này. Tuy nhiên thay vì bị suy yếu, Liên minh châu Âu dường như đang được củng bố và tăng cường sau quyết định của Anh.
27 quốc gia thành viên còn lại đang nỗ lực thực hiện hóa cam kết làm cho khối trở nên “mạnh mẽ , bền bỉ và thậm chí là thống nhất hơn nữa”, đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 60 thành lập Liên minh châu Âu tại Rome vào tháng 3 vừa qua.
Các đảng dân túy và chống châu Âu tại một số nước Liên minh châu Âu như Áo, Hà Lan và Pháp đã thất bại trong các cuộc bầu cử. Sự lên ngôi của ứng cử viên ủng hộ EU Emmanuel Macron tại Pháp một lần nữa đang đảo ngược xu thế trỗi dậy dậy gần đây tại châu Âu.
Giới quan sát cũng lạc quan về trục hợp tác Đức-Pháp đang giúp chèo lái con thuyền châu Âu đi đúng hướng. Về kinh tế, tăng trưởng kinh tế tại các nước Liên minh châu Âu đang thể hiện tốt hơn Anh.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng của EU cũng như Eurozone là 0,6% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh cũng chỉ khoảng 0,2%. Điều này đang tạo ra tâm lí lạc quan giữa các nước thành viên về tương lai của khối.
Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar nhận định: “Chúng ta có lí do để lạc quan về châu Âu. Nền kinh tế châu Âu đang phát triển nhanh hơn cả kinh tế Mỹ. Chúng ta cũng thấy một châu Âu đoàn kết về những vấn đề quan trọng, như biến đổi khí hậu với việc chính phủ châu Âu cam kết tuân theo thỏa thuận Paris”.
Nói chung, còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của Brexit đối với cả Anh và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, với tất cả những gì đã xảy ra trong năm qua, đặc biệt là bất ổn chính trị mà Anh đang phải đối mặt, có thể nói Brexit là một canh bạc chính trị và kinh tế chưa mang nhiều lợi ích cho nước Anh.
Thay vào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy nó đang tác dụng ngược lại, tác động không nhỏ đến sự an ninh, ổn định và thịnh vượng của Anh cũng như suy yếu vai trò và ảnh hưởng của nước này trên thế giới./.
Theo VOV