Máy lạnh ô tô được xem là trang bị tiện ích không thể thiếu giúp người lái điều chỉnh nhiệt độ trong khoang nội thất.. Là hệ thống cấu thành từ các bộ phận phức tạp như lốc điều hòa ô tô, dàn ngưng, dàn nóng, van tiết lưu, … hệ thống này hoạt động phức tạp và hay xảy ra những hỏng hóc nhất là khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho máy lạnh bị hư hỏng mà tài xế không thể tự phát hiện và xử lý được. Vì vậy nếu không thường xuyên bảo dưỡng các bộ phận này, rất khó để xác định được lỗi thường gặp và đâu là nguyên nhân khiến nhanh hỏng?

1. Dây đai dẫn động máy nén bị chùng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho máy lạnh ô tô nhanh hỏng trong những ngày nắng nóng. Nguyên nhân đầu tiên mà lái xe cần nghĩ tới đó chính là do dây đai nối động cơ với máy nén bị chùng, dẫn đến thất thoát công và không thể làm lạnh đến áp suất cần thiết cũng là nguyên nhân khiến điều hòa ô tô không mát. Hãy mở nắp capô và kiểm tra độ căng của dây đai. Nếu thấy quá chùng cần tiến hành căng đai lại. Hoặc thấy dây đai có dấu hiệu rạn nứt thì cần thay thế.

dieu-hoa-o-to.jpg

2. Dàn lạnh quá bẩn khiến dòng gió bị cản

Bên cạnh đó, còn có những lý do như dàn lạnh quá bẩn khiến dòng gió bị cản, tản nhiệt ra xung quanh khiến hiệu quả làm lạnh giảm. Lúc này có thể kiểm tra tốc độ gió thổi mạnh hay yếu. Để đo hiệu quả làm lạnh, bạn để động cơ ở vòng tua 1.500 vòng/phút, đặt máy lạnh ở mức cao nhất. Sau 5 phút, có thể đo nhiệt độ cabin và nhiệt độ gió thổi ra từ giàn lạnh. Nếu nhiệt độ ở mức cao, nên kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điều hòa.

3. Dàn nóng ô tô bị bám bụi bẩn

Khi dàn nóng máy lạnh bám quá nhiều bụi bẩn, nó sẽ không giải nhiệt được. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới máy lạnh ô tô không mát. Do đó, nếu quá bẩn nên vệ sinh ngay. Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không xịt nước quá mạnh, vì có thể làm móp cong các thanh lá tản nhiệt bằng nhôm.

4. Bộ lọc gió bị tắc

Bật máy lạnh xe ô tô nhưng không lạnh hoặc mát rất yếu - nguyên nhân có thể do bộ lọc gió của hệ thống máy lạnh bị tắc. Trong quá trình sử dụng xe, bụi bẩn bám vào lưới lọc quá nhiều, kết thành tảng dày khiến gió bị quẩn trong giàn lạnh không lưu thông được ra ngoài.

Lúc này lái xe cần vệ sinh tấm lưới lọc hoặc có thể dùng súng hơi áp suất để làm sạch bụi bám trên tấm lưới lọc. Chú ý, tấm lưới lọc cần được vệ sinh định kỳ hàng tháng nếu xe thường xuyên đi những nơi nhiều bụi bặm.

5. Bộ cảm biến nhiệt gặp vấn đề

Máy lạnh ô tô không mát nguyên nhân có thể do bộ cảm biến nhiệt (rơ le điều chỉnh nhiệt độ) bị hư hoặc điều chỉnh sai, ảnh hưởng tới hệ thống làm mát. Nếu cảm biến nhiệt bị điều chỉnh sai mức nhiệt độ thì có thể điều chỉnh lại; nếu bị hư hoàn toàn nên đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng để nhận được sự giúp đỡ từ các kỹ thuật viên. 

6. Quạt máy lạnh gặp vấn đề

Ngoài chức năng làm lạnh thì máy lạnh ô tô còn chế độ gió thổi. Khi chuyển qua chế độ này, đợi một thời gian không thấy máy lạnh hoạt động thì có thể do những nguyên nhân như: Mạch điện bị đứt do sử dụng lâu ngày; cuộn dây contactor bị hỏng khiến quạt gió không chạy; động cơ quạt có thể bị ngắn mạch hoặc chạm vỏ

Hãy rà soát lại mọi mạch điện, kết nối điện của máy lạnh bằng đồng hồ cho chuẩn xác; kiểm tra hết các tụ điện bên trong và bên ngoài đường dây nối của máy lạnh bằng đồng hồ; rà soát các thông mạch và các tiếp điểm của máy lạnh; rà soát độ cách điện của máy lạnh bằng đồng hồ.

7. Sạc thiếu gas hoặc thừa gas 

Sạc thiếu gas hoặc thừa gas đều là nguyên nhân dẫn tới hệ thống máy lạnh bị tê liệt. Khi máy lạnh thiếu gas sẽ thiếu lạnh, trường hợp bị xì gas nhiều khiến áp suất giảm xuống dưới mức bình thường, lúc này công tắc áp suất thấp sẽ ngắt mạch không cho lốc lạnh hoạt động.

Khi sạc dư gas làm máy nặng hơn, công suất động cơ giảm và nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn. Biểu hiện khi sạc thừa gas chính là lốc lạnh đóng ngắt liên tục, máy chạy chậm và ghì hơn bình thường. 

8. Đừng để điều hòa quá hỏng mới sửa chữa

Nhiều tài xế sử dụng xe thường để đến lúc điều hòa hỏng hoặc có hiện tượng không lạnh mới đi sửa chữa. Đây là một phần nguyên nhân khiến tuổi thọ cũng như chất lượng điều hòa giảm. Đặc biệt, việc bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ các bộ phận nhất là điều hòa sẽ tránh được đáng kể sự cố ảnh hưởng đến động cơ.