(Baonghean) - Mấy năm trở lại đây, rộ lên chuyện cán bộ có tầm cỡ xây nhà to đẹp quá mức bình thường khiến dư luận cả nước xôn xao. Thoạt đầu là “biệt phủ” của một lãnh đạo tỉnh miền núi đá và một vị ở đồng bằng sông Hồng. Sau đó là biệt thự nguy nga, tráng lệ của một “quan” đầu ngành thanh tra đã về nghỉ hưu ở Bến Tre. Và mới đây nhất là tòa biệt thự được thiết kế cầu kỳ nằm trong khuôn viên rộng hơn 1.500m2 thuộc chủ sở hữu của nguyên Phó Chủ tịch UBND một tỉnh trung du nổi tiếng về lắp ráp ô tô, xe máy cận kề Hà Nội. Chưa vội bàn đến chuyện tiền lương cán bộ, công chức như hiện hành, thì lấy đâu ra mà xây những ngôi nhà to, đẹp như lâu đài, vì việc này là của các cơ quan ngành nội chính. Mà chỉ thắc mắc một điều là họ xây nhà to quá cỡ như vậy là nhằm mục đích gì?

Đặt vấn đề như vậy có vẻ thừa. Vì xây nhà dĩ nhiên là để ở. Nhà càng to, đẹp, rộng rãi thì ở càng thích. Và hình như ai cũng muốn ở nhà to, nhà đẹp bởi ngoài giá trị sử dụng ra thì cái sự to đẹp đó còn thể hiện đẳng cấp, sự chịu chơi, sự thành đạt cũng như mức độ giàu có của gia chủ. Điều đáng nói ở đây là, nếu gia chủ của những tòa nhà nguy nga, lộng lẫy đó là của người dân bình thường hay các doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi… thì đó là điều mừng. Rất đáng mừng và rất đáng biểu dương, cổ vũ để cho ai ai nhìn vào đó cũng có ý thức phấn đấu lao động, sản xuất hết sức mình để có được thành quả như vậy. Nhưng buồn thay đây lại là của những người được coi là “công bộc” của dân. Và khó hiểu thay cho hành vi đó của họ. Vì rằng, xét từ mọi khía cạnh, đứng ở mọi góc độ để nhìn nhận thì hành vi chơi trội đó đều gây hậu quả rất xấu. Nếu để khẳng định sự thành đạt thì thật không cần thiết vì bản thân chức vụ mang trên người họ đã nói lên điều đó. Hơn nữa sự thành đạt không chỉ nằm ở chức vụ, trọng trách được giao mà còn nằm ở chỗ là đã làm được những gì thật sự ích nước, lợi dân. Để được người dân công nhận, ngợi ca. Và tự khẳng định theo kiểu đó là thiếu khiêm tốn và thể hiện sự ham thích hưởng thụ. Không phù hợp với tư cách, tác phong người cán bộ cách mạng. 

Còn để thể hiện đẳng cấp, độ chịu chơi thì thật không nên. Bởi trong lúc cuộc sống của phần lớn người dân còn không ít khó khăn. Không ít người lao động nghèo còn trong cảnh “được bữa trưa, lo bữa tối”. Còn những người mang danh là “đầy tớ của nhân dân” lại sống trong cảnh sang giàu cỡ đó thì hết sức phản cảm và xa cách quá. Sự xa cách đó càng khoét sâu thêm, làm rộng thêm hố ngăn cách giữa hai giai tầng cán bộ và nhân dân. Còn để khoe khoang sự giàu có thì sẽ làm bật lên câu hỏi họ làm gì và lấy bạc, tiền từ đâu ra mà giàu vậy? Vì ngoài làm cán bộ ra, họ đâu có nghề tay trái nào khác. Của hương hỏa ông bà để lại cũng chắc chắn là không nhiều đến thế vì cán bộ ta hầu hết đều xuất thân từ thành phần công - nông. 

Không nuôi lợn, trồng rau, không sản xuất cũng không kinh doanh, buôn bán. Chỉ sống nhờ lương thôi mà  lại phú quý như vậy thì chỉ có một cách. Mà theo suy đoán của hầu hết người dân là biến của công thành của tư, biến của chung thành của riêng và nhận quà cáp trên mức tình cảm. Cho dù, không có chứng cứ cụ thể, rõ ràng, nhưng không thể cấm người dân không được nghĩ vậy khi nhìn vào những tòa nhà lộng lẫy quá mức đó. Và thế là cứ mỗi khi thấy một cái nhà to của cán bộ mọc lên, niềm tin trong lòng dân với đội ngũ “công bộc” lại hao mòn đi một chút.  Kèm theo đó là một nỗi buồn mênh mang và thất vọng sâu sắc. 

Như vậy, việc cán bộ nhà nước dù đương chức hay đã nghỉ hưu xây nhà to, đẹp quá mức cần thiết và không phù hợp với mức thu nhập thì đều gây phản ứng xấu trong dư luận và trong lòng dân. Đó là hành vi thiếu ý thức giữ gìn hình ảnh cho bản thân và cho tổ chức và thiếu suy nghĩ. Mà cũng có thể là suy nghĩ không đến nơi, đến chốn nên làm vậy để khoe giàu, khoe sang một cách thiếu hiểu biết và bất chấp hậu quả. Nếu thế thì chẳng khác gì trọc phú khoe sang. Vì theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, trọc phú là người giàu mà dốt nát.

Duy Hương