Giữa con phố sầm uất Đào Duy Từ, một không gian âm nhạc truyền thống được dựng nên, đưa người nghe trở về quá khứ với các điệu tuồng, chèo, hát xẩm...
Ít ai biết được rằng, trên con phố sầm uất Đào Duy Từ mỗi buổi tối cuối tuần với nhiều hoạt động âm nhạc đường phố sôi động, có tồn tại một không gian âm nhạc truyền thống với ca trù, hát xẩm, chèo, tuồng, chầu văn… do các nghệ sĩ, nghệ nhân nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn. Hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình "Chuyện nhạc phố cổ", với ý nghĩa mang đến cho người nghe cái nhìn khái quát về âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ – thủ đô “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội”.
So với trước, phong cách biểu diễn nhạc cổ đã có ít nhiều thay đổi, và chủ yếu là ở không gian. Tuy nhiên khi được chia sẻ với NSND Thanh Hoài, cô vẫn bày tỏ niềm vui khi lại được biểu diễn chung sân khấu với các đồng nghiệp cũ, được thể hiện lại những giai điệu, ca từ của xẩm, của chèo... chứa đầy cảm xúc và có tính giáo dục cao. Với hơn 50 năm trong nghề, chứng kiến sự thay đổi của nền âm nhạc Việt Nam qua từng thời kì lịch sử, cô nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay đang dần lãng quên những làn điệu âm nhạc truyền thống này, chủ yếu chỉ còn tồn tại trong vài trường nghệ thuật tập trung chủ yếu dưới các thôn, quê và người trẻ cũng theo rất ít.
Với mong muốn gìn giữ và bảo tồn vốn cổ nhạc mà giờ đây đang dần bị mai một, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, thành viên BTC cho biết, anh tổ chức hoạt động này như một cách tập hợp tất cả các thế hệ nghệ nhân cuối cùng, phần lớn đã là các cụ đã 60, 70 tuổi, thành một nhóm để biểu diễn và truyền bá loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ truyền cho nhiều thế hệ trẻ cũng như du khách thập phương xa và ngoài nước biết đến.
Qua hoạt động này, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cũng muốn gửi gắm một thông điệp: "Người Việt phải gìn giữ vốn cổ nhạc văn hoá phi vật thể của mình, đây mới là âm nhạc thật sự của chúng ta".
Theo VOV