(Baonghean) - Mới đây, Malaysia - quốc gia chủ nhà SEA Games 29 đã gửi điều lệ bốc thăm các môn thuộc chương trình thi đấu đến các quốc gia thành viên, trong đó gây sốc nhất là việc nước chủ nhà tự cho phép mình quyền được chọn bảng đấu.
Biết được thông tin này, nhiều nước đã phản ứng ra mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam khẳng định: “Nếu thông tin Malaysia tự cho mình quyền chọn bảng đấu là đúng thì Tổng cục sẽ có ý kiến và văn bản gửi tới BTC chủ nhà. Điều chủ nhà Malaysia đang làm là không đúng thông lệ quốc tế. Chúng tôi không đồng ý”.
Trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng đăng thông báo: “Nguyên tắc bốc thăm do chủ nhà Malaysia đưa ra, Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF nhận thấy thiếu sự khách quan và không đảm bảo cân bằng về chuyên môn giữa các bảng đấu”. Về phía Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á - AFF, Tổng thư ký Ahmad Azzuddin cho biết: “Luật này quả chưa từng có. Vấn đề này liên quan đến môn bóng đá của các đội trong khu vực nhưng AFF không thể làm gì. Chỉ có Hội đồng Olympic, nơi tổ chức cuộc họp các Đoàn tham dự giải mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng”.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên, nước chủ nhà một kỳ SEA Games làm “trò mèo” để làm sao mình có lợi nhất. Đó là những chiêu trò như: gạt bỏ một số nội dung mà mình không có lợi, mặc dù những môn này được thi đấu chính thức ở đấu trường lớn nhất quốc tế là Olympic và đưa vào những bộ môn mà đội chủ nhà có thế mạnh, mặc dù có những môn không được phổ biến tại các kỳ đại hội; những môn có đội chủ nhà tham dự thì họ cố tình thay đổi địa điểm, thời gian thi đấu, cho đến cách bốc thăm, chọn trọng tài… miễn sao đội nhà càng thuận lợi, càng có cơ hội đoạt huy chương càng tốt.
Còn nhớ, ở SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia, hàng loạt môn như đánh bài, trượt patin, leo tường đã được nước chủ nhà đưa vào nội dung thi đấu. Hay SEA Games 27 ở Myanmar, nước chủ nhà cũng tranh thủ đưa môn thể thao biểu diễn chilone, rồi đua ngựa băng đồng vào nội dung tranh huy chương…
Trước đây, chủ nhà Việt Nam cũng từng gây sốc khi đưa bộ môn lặn vào SEA Games 22 và kết quả các kình ngư nước ta đã giành 13 trong tổng số 16 Huy chương Vàng. Các bộ môn chúng ta có lợi thế như Whusu, bắn súng, vật… cũng được chúng ta tận dụng tối đa, kết quả là môn vật, chúng ta đoạt 18 trong tổng số 22 HCV. Môn bắn súng, các xạ thủ của chúng ta đoạt 25 HCV, môn whusu đạt 13 HCV... Đó cũng là kỳ SEA Games chúng ta liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng từ ngày khai mạc cho đến bế mạc và xếp thứ nhất toàn đoàn với 158 HCV, trong khi đó Thái Lan về nhì với 90 HCV, Indonesia xếp thứ 3 với 50 HCV.
Tất nhiên, không chỉ ở SEAGames mà ở các kỳ đại hội thể thao thế giới, bao giờ chủ nhà cũng có lợi thế về nhiều mặt, như VĐV không phải di chuyển xa, quen với điều kiện sống, và được sự ưu ái của trọng tài, Ban tổ chức… nhưng làm lộ liễu và thái quá thì chỉ có “vùng trũng” Đông Nam Á. Điều này tưởng chừng như đã được chấm dứt, khi một số nước như Thái Lan, Việt Nam, Singapore… đã bắt đầu chú ý đến đấu trường lớn hơn như ASIAD, OLYMPIC… chứ không tranh thủ giành huy chương ở “hội làng” Đông Nam Á để rồi hụt hơi tại các sân chơi lớn. Nhưng lần này với cách làm của chủ nhà Malaysia, xem ra “bệnh cũ” ở các kỳ SEA Games đã tái phát. Nếu như các thành viên tham gia không có ý kiến dứt khoát để thay đổi cách hành xử của chủ nhà Malaysia, thì SEA Games vẫn mãi chỉ là “hội làng”, khó có thể tiếp cận với các sân chơi thể thao lớn ở thế giới.
Đức Dũng