P.V:Xin chào anh Lê Huy Khoa, trước khi chính thức trở thành trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang-seo, có vẻ như anh chưa từng làm một công việc liên quan đến bóng đá. Vì sao anh lại chọn công việc này?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Trước khi trở thành ngôn ngữ cho HLV trưởng ĐTQG, tôi không làm việc trực tiếp về bóng đá nhưng tôi rất yêu thích bóng đá. Và đặc biệt, tôi cũng đã từng tham gia dịch, làm rất nhiều tài liệu, hỗ trợ các chương trình, sự kiện liên quan đến bóng đá giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi lựa chọn công việc này vì nó phù hợp với sở thích và đam mê của mình. 

P.V:Ngay trong ngày đầu tiên HLV Park Hang-seo làm việc tại Việt Nam, ông ấy đã tìm cho mình một trợ lý ngôn ngữ. Và anh đã vượt qua mọi ứng viên để trở thành người xuất sắc nhất. Lúc đó, ấn tượng ban đầu của anh với chiến lược gia người Hàn Quốc là gì?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Lần đầu, tôi gặp ông ấy tại Văn phòng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ấn tượng ban đầu, ông ấy là một người đàn ông rất vui vẻ, lúc nào cũng cười. Tuy nhiên, ông ấy có vẻ rất “máu lửa”, nhiệt huyết. Trong hình dung của tôi, người Hàn Quốc thì sẽ rất chỉn chu, vận com-lê, đầu tóc bóng bẩy. Nhưng khi tôi gặp ông Park, tôi thấy ông ấy cũng rất bình thường. Nhìn chung ông ấy rất dân dã và dễ gần.

image_3795909_24112019.jpgTrợ lý Lê Huy Khoa hiện đang là Hiệu trưởng một trường tiếng Hàn tại TP. HCM. Ảnh: NVCC

P.V:Mặc dù ông Park Hang-seo là một HLV bóng đá, nhưng chắc hẳn tác phong làm việc của ông ấy là điều mà tất cả chúng ta đều có thể học tập đúng không? Đó có phải là tính cách của những người Hàn Quốc nói chung hay không, thưa anh?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Bóng đá là cuộc sống thôi. Bóng đá cũng phản ánh phần nào tư duy, thói quen, cách cư xử của cộng đồng hoặc một dân tộc nào đó. Tôi nghĩ rằng, tính cách của ông Park mang nét điển hình của người Hàn Quốc. Ví dụ như nhanh nhẹn, làm gì cũng chuẩn bị rất chu đáo, rất chi tiết, làm việc rất nhiệt huyết. 

Thứ hai, ông ấy luôn đề cao tính tập thể. Ông ấy luôn nói rằng đội tuyển chúng ta là một, làm gì cũng phải là một khối thống nhất. Bóng đá Việt Nam không hẳn đã thay đổi, nó chỉ thay đổi về tổ chức lối chơi. Điều này khác biệt hoàn toàn so với ngày xưa. Không hề có sự ngẫu hứng, rời rạc. 

Đặc tính thứ ba của ông Park, tôi nghĩ ông ấy khá mạo hiểm, mạnh dạn và dám làm. Có nhiều trận đấu chúng ta đang thắng 2-1, ông ấy nói rằng: “Đá luôn. Đưa thêm tiền đạo vào để thắng 3-1. Không có chuyện rút về giữ tỷ số!". Ông ấy luôn luôn cầu tiến, tìm mọi cách để có kết quả tốt hơn. 

P.V:Để làm tốt công việc này, theo ông cần những kỹ năng gì, bên cạnh việc thành thạo tiếng Hàn?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa:Tôi nhớ ngày đầu tiên làm việc, ông Park nói gì tôi chẳng thể hiểu được. Vì ông Park nói giọng địa phương và không rõ. Rất may tôi cũng yêu bóng đá và cũng hiểu về bóng đá. Nhìn động tác và điệu bộ của ông Park tôi có thể hiểu được.

Nhưng cũng có lúc tôi không thể hiểu được ông ấy đang muốn diễn đạt điều gì. Khó khăn của tôi những ngày đầu chỉ như vậy thôi. Một số từ ngữ trong bóng đá vốn là tiếng Anh. Vì tôi cũng biết tiếng Anh ở mức giao tiếp được nên không gặp khó khăn.

Càng ngày khi đi vào chuyên sâu, tôi thấy rằng kiến thức về bóng đá là rất quan trọng. Nếu như không có kiến thức về bóng đá thì dù có ngôn ngữ tốt cũng sẽ không diễn đạt được hoặc cầu thủ họ sẽ không hiểu, sẽ rất mơ hồ. Ví dụ đường bóng đó là tấn hay lùi, bắt chân trái hay bắt chân phải. Mình phải phiên dịch sao cho cầu thủ hiểu ngay.

Phiên dịch cho HLV trưởng ĐTVN là một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng. Ảnh: NVCC

Tôi nghĩ là để làm được công việc này phải có tình yêu bóng đá thực sự, cộng thêm bạn phải có sức khỏe tốt và sự kiên trì. Chúng ta biết rằng, có những đợt tập trung 1 tháng trời. Môi trường không khác gì quân đội. Ngày nào cũng vậy, sáng sinh hoạt, chiều tập và tối tập trung, họp hành khá nhiều. Nếu không có sự chịu khó thì cũng rất khó để thích ứng.

P.V: Lần đầu tiên ông làm trợ lý cho HLV Park Hang-seo tại một giải đấu chính thức là VCK U23 châu Á. Đó thực sự là một ký ức đẹp đẽ và khó quên với tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Với ông thì điều gì, kỷ niệm nào là đặc biệt nhất?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Với tôi, mỗi trận đấu đều là một kỷ niệm. Mỗi trận đấu đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ tôi mà các cầu thủ cũng vậy. Khi chúng tôi đi dự VCK U23 châu Á vào ngày 1/1/2018, gần như chẳng ai quan tâm. Khi chúng tôi chụp một tấm ảnh chung thì chẳng có phóng viên nào, cũng không có người hâm mộ nào. Vì thế, chúng tôi phải tự chụp cho nhau. Thời điểm đó rất khó khăn.

Trợ lý Lê Huy Khoa trong một buổi họp báo của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Trung Kiên

Tôi cũng rất yêu bóng đá Việt Nam, nhưng thành tích của chúng ta lúc đó rất kém nên bản thân tôi khá là bi quan. Cứ nghĩ là đá vòng bảng với Hàn Quốc, Australia và Syria chắc là không có cửa. Xưa nay chúng ta đá với họ cũng toàn thua. Thế nên, khi tôi nghĩ khi đá hết vòng bảng chắc cũng về thôi nên chuẩn bị hành lý sẵn. Nhưng rồi hòa Syria và lần lượt các trận đấu tiếp theo cũng vậy. Lần đầu tiên tôi tham gia bóng đá, không có kinh nghiệm chuẩn bị hành lý như các cầu thủ nên phải tháo ra, tháo vào hành lý đến 3-4 lần.

P.V: Có vẻ như HLV Park Hang-seo và các trợ lý chuyên môn của ông có một cách tuyển chọn nhân sự cho đội tuyển rất đặc biệt và cách sử dụng cầu thủ cũng vậy. Anh có thể kể một vài ví dụ điển hình?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Tôi lấy ví dụ về trường hợp của Quế Ngọc Hải. Có một ngày trợ lý Lee hỏi tôi về Quế Ngọc Hải là một người như thế nào. Thực ra, HLV Park và trợ lý Lee đã theo dõi cậu ấy từ khá lâu và cũng đã mở YouTube để xem lại những tình huống va chạm của cậu ấy để phân tích. 

Sau đó, HLV Park có gọi Ngọc Hải lên để tập trung vòng loại Asian Cup 2019 trận Jordan, nhưng tôi nhớ rằng cậu ấy không được thi đấu. Ông Park đã dành một thời gian để xem Ngọc Hải có thay đổi hay không, vì lối chơi của các cầu thủ SLNA quyết liệt quá. Và những gì mà Ngọc Hải đã thể hiện, đóng góp thì chúng ta đều đã thừa nhận. 

Những kỷ niệm đẹp dẽ của trợ lý Lê Huy Khoa tại VCK U23 châu Á. Ảnh: NVCC

Một trường hợp khác là Công Phượng. Chúng ta biết rằng trước đây Công Phượng thi đấu không bao giờ phòng ngự. Tuy nhiên, sau Asiad 18 thì mọi chuyện đã khác. Có những lúc Công Phượng phải lui về thật sâu để lấy bóng. Nhìn chung, HLV Park và các trợ lý tìm hiểu và phân tích các học trò rất kỹ.

P.V: Là một người con xứ Nghệ và trong thành phần các ĐTQG có khá nhiều cầu thủ xứ Nghệ. Theo anh, HLV Park Hang-seo đánh giá như thế nào về các cầu thủ xứ Nghệ, các cầu thủ SLNA?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Tôi thấy ông Park rất yêu thương và đánh giá các tuyển thủ bình đẳng như nhau, không quá chú trọng về xuất thân cầu thủ ở đâu. Hình như ông ấy có biết Nghệ An là mảnh đất sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng và có những đóng góp nhất định cho bóng đá Việt Nam nhưng không hề đánh giá cụ thể về cầu thủ SLNA! 

Vì giữa 2 cầu thủ SLNA là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh cũng đã khác nhau. Nếu như Xuân Mạnh luôn như một chiếc xe tăng, cực kỳ vững chắc, dũng mãnh thì Phan Văn Đức hết sức mềm dẻo như một chú rồng uốn lượn, chơi đầu óc và không mạnh mẽ như người bạn đồng hương. Có một điều mà tôi nghĩ rằng ông Park vẫn luôn thừa nhận các cầu thủ xứ Nghệ có một sự “máu lửa, thi đấu quyết liệt”.

HLV Park Hang-seo là người có tác phong làm việc chu đáo. Ảnh: Như Nguyễn

P.V:Từ khi HLV Park Hang-seo đến, rất nhiều thành công đã đến với bóng đá Việt Nam và ĐTQG nói riêng. Theo anh, đâu là cơ sở để ĐT Việt Nam có được thành công như hiện tại và HLV Park Hang-seo có tâm sự gì với anh về những thành công đó hay không?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Chúng ta thấy những thành công đã mang lại rất nhiều thay đổi cho ông Park. Tuy nhiên, nếu các bạn theo dõi kỹ, ông ấy luôn cố gắng duy trì một tâm thế bình thản, bình thường để tiếp cận mọi điều. Ông ấy rất có kinh nghiệm và lão luyện trong việc tự quản lý cuộc sống của mình. Sau kỳ tích tại Thường Châu, ông Park có dặn các cầu thủ: “Này! Vừa thôi nhé. Về CLB phải hết sức cẩn thận. Các anh phải hiểu, danh tiếng, tiền bạc giống như làn mây. Một ngày nào đó sẽ tan biến”.

Riêng các cầu thủ ở ĐTQG, tôi nghĩ lý do mà chúng ta thành công đó là chúng ta rất đoàn kết và ý thức. Nhận thức về nghề nghiệp của các cầu thủ bây giờ rất cao. Hai tháng đội tuyển tập trung, không hề hút thuốc, rượu, bia thì bị cấm, sinh hoạt rất lành mạnh. Sự đoàn kết, quyết tâm, tinh thần thi đấu “máu lửa” là bí quyết mang đến những thành công cho ĐT Việt Nam.

Trợ lý Lê Huy Khoa rất gần gũi với các tuyển thủ Việt Nam. Ảnh: NVCC

P.V: Cho đến nay, có thể nói anh là một người thành công với công việc của mình. “Học thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời”. Anh có những lời khuyên nào đối với những bạn trẻ có đam mê ngoại ngữ?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Với các bạn trẻ, các bạn nên học ngoại ngữ và ngôn ngữ nào cũng được. Còn với bóng đá, tôi nghĩ rằng bóng đá Việt Nam muốn phát triển được phải có rất rất nhiều các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Như chúng ta thấy, ĐT Nhật Bản có 22 cầu thủ thì có đến 19 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu và thi đấu chính thức. 

Với các cầu thủ Việt Nam, tôi nghĩ các bạn ấy nên trau dồi ngoại ngữ để hòa nhập một cách nhanh nhất. Ở thời đại 4.0 muốn thành công, các bạn trẻ nói chung cần phải có một kỹ năng để khai thác khối kiến thức để hòa nhập với thời đại toàn cầu hóa. Và kỹ năng quan trọng nhất đó chính là ngoại ngữ.

P.V: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!