Phía Bình Nhưỡng cũng kêu gọi hai miền Triều Tiên ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình, trong khi đề xuất thực thể mới này sẽ gia nhập Liên hợp quốc bằng một tên gọi duy nhất.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng tìm cách loại bỏ tất cả các thỏa thuận hoặc hiệp ước đạt được với các bên thứ ba, được cho đi ngược lại mục tiêu theo đuổi tái thống nhất của Triều Tiên, yêu cầu được diễn giải ra là cách thức gây sức ép buộc Seoul từ bỏ hiệp ước phòng vệ chung Mỹ-Hàn.
Triều Tiên cũng đề xuất hai miền liên Triều giảm số lượng binh lính tương ứng xuống chưa đầy 100.000 người, như một bước đi hướng tới việc thiết lập trạng thái hòa bình, kêu gọi việc rút toàn bộ vũ khí hạt nhân và binh lính nước ngoài khỏi bán đảo Triều Tiên, dường như nhắm vào quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Tài liệu trên còn mô tả, theo một bức điện tín được gửi từ Đại sứ Hàn Quốc thời đó tới các bộ ngành ở Seoul đề ngày 14/12/1987, ông Gorbachev đã hỏi ông Colin Powell - cố vấn an ninh của Tổng thống Reagan - liệu đã xem xét đề xuất của Triều Tiên hay chưa. Ông Powell cho biết, ông sẽ xem xét tài liệu này sớm và bày tỏ hy vọng vấn đề này vẫn được giữ bí mật.
Sau đó, phía Washington cho rằng, đây là vấn đề mà Hàn Quốc cần giải quyết, đồng thời coi đề xuất này là phi thực tế trừ khi Triều Tiên bày tỏ thiện chí kiến tạo lòng tin.
Tài liệu này cũng đề cập tới việc nối lại đàm phán liên Triều, như một điều kiện tiên quyết mở đường cho sự chung sống hòa bình của hai miền trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cả Washington và Moskva tiến hành các biện pháp cân bằng lẫn nhau để xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Đề xuất của Triều Tiên cách đây hàng thập kỷ đang thu hút sự chú ý của dư luận, đúng vào thời điểm hai miền Triều Tiên dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba vào ngày 27/4 tới, nhằm thảo luận cách thức cải thiện quan hệ song phương vốn căng thẳng trong thời gian dài liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng./.