Triều Tiên gần đây đã ám chỉ việc khởi động lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) để gây thêm áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, bởi lâu nay Washington chưa sẵn sàng nhượng bộ về yêu cầu phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng. Nhưng nếu đi quá xa, Triều Tiên có thể mất sự hậu thuẫn của Trung Quốc, quốc gia nhiều năm liền kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đặt ra với lý do Bình Nhưỡng đã đình chỉ các vụ thử hạt nhân và ICBM.
Giới chuyên gia đối ngoại nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đặc biệt không khoan nhượng với các vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên, vì Trung Quốc từ lâu đã lo lắng về khả năng nhiễm phóng xạ từ quốc gia láng giềng.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc, được xem là muốn tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 để nâng cao vị thế quốc gia, cũng lo ngại về viễn cảnh các vụ thử hạt nhân hoặc ICBM của Triều Tiên sẽ làm gián đoạn sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu này.
Trong một báo cáo gần đây của Viện Hòa bình Nakasone ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Giáo sư Junya Nishino thuộc trường Đại học Keio đánh giá khi Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế, việc tăng cường "khả năng phòng thủ quốc gia" sẽ giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un củng cố quyền lực của mình. Đồng thời, Triều Tiên đặt trọng tâm vào việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc để vượt qua một số thách thức bao gồm suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, bằng cách tiết lộ vũ khí nâng cấp của mình và gia tăng căng thẳng an ninh trong khu vực, nơi có các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên có thể đang cố buộc Washington trở lại bàn đàm phán để thảo luận về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Giới chuyên gia cho hay, chừng nào chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn bận tâm đến việc Nga tăng cường quân sự ồ ạt ở biên giới Ukraine và thờ ơ với các vấn đề xung quanh Bán đảo Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng sẽ không ngừng nỗ lực phát triển kho vũ khí của mình.
Giáo sư Stephen Nagy từ trường Đại học Thiên chúa giáo Quốc tế (ICU- Tokyo, Nhật Bản) nhận định: "Các vụ thử gần đây chứng tỏ năng lực tên lửa ngày càng mở rộng của Triều Tiên và là lời cảnh báo đối với Mỹ rằng việc phớt lờ Triều Tiên sẽ khiến họ rơi vào tình thế nguy hiểm. Đó có thể là một nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu nới lỏng các lệnh trừng phạt và cứu trợ COVID-19 bởi sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt của LHQ và đại dịch đang khiến Bình Nhưỡng rơi vào thế khó khăn trong việc nuôi sống người dân và tạo ra tăng trưởng kinh tế”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Nagy, "khó có khả năng chúng ta sẽ thấy sự thay đổi lớn trong động lực giữa Bình Nhưỡng và Washington trừ khi Bình Nhưỡng đồng ý thực hiện một số hình thức đóng băng trong việc thử nghiệm và phát triển vũ khí".
Một nguồn tin ngoại giao cho hay, để xoay chuyển tình hình kinh tế ở Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải tập trung thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, Trung Quốc sẽ né tránh việc giang tay giúp đỡ Triều Tiên nếu nước này dám thực hiện các vụ thử ICBM hoặc hạt nhân, vì từ trước đến nay Bắc Kinh "tự hào" đã ngăn được Bình Nhưỡng "vượt quá tầm kiểm soát".
Nguồn tin này nhấn mạnh, nếu Triều Tiên tiến hành các vụ thử như vậy, "Trung Quốc sẽ mất mặt và buộc phải đề phòng với ô nhiễm phóng xạ". Nguồn tin cho biết thêm: "Nếu Triều Tiên phóng thử ICBM hoặc thử hạt nhân trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, Chủ tịch Tập sẽ rất tức giận và có thể ngừng viện trợ kinh tế cho Triều Tiên. Đây là tình huống xấu nhất đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un"./.