Triều Tiên có thể chấp nhận phá dỡ nhà máy hạt nhân
Trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng này, hai bên có thể đạt được thỏa thuận phá dỡ tổ hợp Yongbyon, một cơ sở hạt nhân quan trọng của Triều Tiên, ông Moon Chung-in cố vấn đặc biệt về đối ngoại và an ninh quốc gia của Hàn Quốc, ngày 15/2 tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
"Kim Jong-un nói 'Được thôi' và sẽ chấp nhận quá trình kiểm chứng", Moon Chung-in cho biết. "Tôi hy vọng Tổng thống Donald Trump có thể nhấn mạnh sự kiểm chứng này là một phần trong quá trình tháo dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon". Cố vấn Moon nhận định lãnh đạo Triều Tiên đã đảm bảo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về điểm này trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái.
Mỹ thừa nhận quân đội bị giảm sút mức độ sẵn sàng chiến đấu
Theo Sputniknews, RT đưa tin Cơ quan Thẩm định trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) của Quốc hội Mỹ mới đây thừa nhận rằng mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này đã giảm sút trong những năm gần đây.
Báo cáo của GAO lưu ý rằng mức độ sẵn sàng chiến đấu chung của đất nước vẫn còn thấp và cho thấy tình trạng không cải thiện kể từ năm 2013. Theo các tác giả của báo cáo, lý do dẫn tới tình trạng này là do sự tham gia của Mỹ vào các cuộc xung đột quân sự, "sự không chắc chắn" về tài trợ và cắt giảm trong cấu trúc quân sự. Đồng thời, tài liệu này cũng lưu ý rằng các "đối thủ" của Mỹ trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể khả năng quân sự của họ.
Ấn Độ áp thuế nhập khẩu tới 200% đối với hàng hóa của Pakistan
Theo hãng tin IANS, một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, Ấn Độ hôm 16/2 đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc nhập khẩu từ Pakistan.
Quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ là một phần của gói biện pháp trả đũa nhằm vào nước láng giềng, sau vụ 49 thành viên Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương Ấn Độ (CRPF) bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở bang Jammu và Kashmir, do nhóm Jaish-e-Mohhammed đóng căn cứ ở Pakistan thừa nhận tiến hành.
Ứng viên chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ukraina
Ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Manfred Weber, hiện là lãnh đạo “đảng Nhân dân châu Âu”, đã đề xuất cân nhắc về dự thảo hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu mà Ukraina có thể tham gia. "Chúng ta có vấn đề trong việc thống nhất miền bắc và miền nam châu Âu, nhưng giờ đây nó lại nảy sinh theo hướng đông - tây, đặc biệt do các cuộc thảo luận về di cư và vấn đề khác. Nhưng hãy nghĩ đến việc chúng ta có thể tạo ra một liên minh quốc phòng mạnh", vị đại biểu nói trong cuộc thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich với sự tham gia của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko.
Ông Weber nhắc lại rằng thế giới đang đối mặt với viễn cảnh chấm dứt Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Theo ông, đây có thể là "bước đầu tiên hướng tới một liên minh quốc phòng thực thụ của châu Âu". "Bước đi này thực sự đảm bảo rằng người dân ở Ba Lan, Latvia và Ukraina hiểu rằng họ có thể trông cậy vào Pháp, Đức và những quốc gia khác", ông Weber nói, đồng thời cho rằng "điều này sẽ giúp thống nhất châu Âu một lần nữa".
Máy bay Mỹ tới Colombia, chờ đưa hàng cứu trợ vào Venezuela
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Cucuta ngày 16/2, người điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Mark Green cho biết, số hàng cứu trợ được chở đến theo yêu cầu của thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido - người đã tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời Venezuela trong bối cảnh Venezuela đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo gia tăng.
Những chiếc máy bay vận tải quân sự chở hàng cứu trợ của Mỹ đã tới thành phố Cucuta, Colombia, giáp với biên giới Venezuela. Theo thủ lĩnh phe đối lập Guaido, các tình nguyện viên sẽ đưa hàng cứu trợ qua biên giới vào Venezuela vào ngày 23/2 tới. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn từ chối không cho phép hàng cứu trợ của Mỹ vào Venezuela, cho rằng, đây là một phần âm mưu can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela.