Công an huyện Tân Kỳ vừa làm việc với N.V.H (SN 2002), ở xóm Quy Hậu, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là học sinh lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn huyện về hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật.

Trước đó, ngày 17/1/2020 và 24/2/2020, N.V.H đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải 3 bài viết có nội dung sai sự thật về việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Qua xác minh, những nội dung N.V.H đăng tải, chia sẻ là sai sự thật, xuyên tạc bản chất vụ việc, gây hoang mang trong dư luận.

Tại buổi làm việc, Công an huyện Tân Kỳ đã giải thích cho N.V.H về tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, đồng thời yêu cầu N.V.H gỡ bỏ bài viết, đăng bài viết đính chính thông tin, cam kết không đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xấu, tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình ANCT, TTATXH, gây hoang mang dư luận.

Hiện Công an huyện Tân Kỳ đang hoàn thiện các thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đó là 1 trong những trường hợp cụ thể mà liên tiếp những ngày qua, các cơ quan chức năng của các tỉnh Nghệ An đã triệu tập, làm rõ và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đăng tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19.  Ví như vụ việc người từ vùng dịch trở về phải cách ly để theo dõi lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới. Thậm chí, còn có những kẻ nhân cơ hội này để bịa đặt, vu cáo cơ quan chức năng che giấu thông tin. Bên cạnh đó, không ít cá nhân lợi dụng tình hình dịch để tăng giá bán khẩu trang y tế trái quy định; lừa đảo chiếm đoạt tài sản như lừa bán khẩu trang y tế qua mạng xã hội… 

anh17677708_1132020.jpgPhòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an Nghệ An) triệu tập 8 thanh niên có hành vi đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Đặc biệt, là hành vi bịa đặt, tung tin sai sự thật về dịch bệnh, tự nhận “dương tính” với Covid-19 để thu hút nhiều "thích" và chia sẻ trên mạng xã hội. Hoặc chia sẻ trên mạng xã hội những cách thức phản khoa học như cho rằng uống bia, rượu, uống dettol (một loại dung dịch khử trùng trong nhà) có thể chống dịch Covid-19, diệt khuẩn bằng máy sấy tóc... mà bất chấp hậu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, tin sai sự thật và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng tại Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời phát hiện, làm rõ, triệu tập, xử lý nhiều cá nhân vi phạm.
Từ ngày 28/1- 10/3, các cơ quan chức năng tại Nghệ An đã phát hiện, triệu tập, xử lý 52 cá nhân có hành vi vi phạm liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó có 36 cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật; 2 đối tượng có hành vi lừa bán khẩu trang y tế nhằm chiếm đoạt tài sản; 5 cá nhân, nhà thuốc có hành vi tăng giá bán khẩu trang y tế trái pháp luật; 1 trường hợp giả mạo văn bản, tài liệu về phòng, chống dịch của cơ quan, tổ chức; 7 cá nhân chia sẻ thông tin giả mạo.
Công an huyện Thanh Chương đang làm việc với đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 có 3 ca tử vong. Ảnh tư liệu

Có thể nói, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như hiện nay, các trường hợp đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh địa phương và gây hoang mang dư luận trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả của cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi người dân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt, có trách nhiệm với bản thân, xã hội trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin trên các kênh chính thống, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh.