Robert Mugabe - anh hùng cách mạng, người đã đem lại độc lập cho Zimbabwe, cuối cùng cũng đã lùi về phía sau sau gần 40 năm cầm quyền liên tục, tất nhiên, dưới áp lực ngày càng lớn.
37 năm
Là thời gian ông Mugabe cầm quyền ở Zimbabwe kể từ khi đất nước này giành được độc lập từ tay người Anh năm 1980, với 7 năm trên ghế Thủ tướng và 30 năm làm Tổng thống. Ông Mugabe là Tổng thống thứ hai của Zimbabwe độc lập.
231 triệu %
Là tỉ lệ lạm phát của Zimbabwe vào tháng 7-2008, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế ở đất nước thuộc khu vực nam phi này. Nguyên cớ bắt đầu từ cuộc cải cách ruộng đất nhanh chóng và bạo lực do ông Mugabe phát động vào năm 2000.
Các trang trại của người Zimbabwe da trắng - niềm ao ước của khu vực châu Phi vào thời điểm đó, đã bị tước đoạt và phân phát lại cho các cựu chiến binh và người Zimbabwe da đen. Các chuyên gia nói nó là một phần của việc ông Mugabe đã đẩy Zimbabwe vào cuộc nội chiến thứ hai ở Congo.
16,3 tỉ USD
Là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Zimbabwe năm 2016. Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị suốt 8 năm (2000-2008) đã khiến GDP của Zimbabwe giảm hơn một nửa, mức giảm lớn nhất của một quốc gia đang trong thời bình, theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thực tế, nền kinh tế Zimbabwe đã có một giai đoạn hồi phục ngắn từ năm 2009 đến 2012 nhưng bắt đầu sụt giảm trong những năm gần đây. Ông Mugabe, trên cương vị Tổng thống, luôn đổ lỗi những vấn đề của nền kinh tế Zimbabwe cho các nước phương tây, đặc biệt là Anh. Ông ta cáo buộc đó là âm mưu lật đổ vì ông đã tịch thu ruộng đất của người da trắng ở Zimbabwe.
16,15 triệu
Là dân số hiện tại của Zimbabwe sau gần 40 năm độc lập. Với mức dân số như hiện tại, GDP bình quân đầu người của Zimbabwe đang ở mức xấp xỉ 1.001 USD, theo Ngân hàng Thế giới.
600 triệu đôla Zimbabwe
Là số tiền cần để mua một ổ bánh mì tại Zimbabwe vào tháng 6-2008, năm đỉnh cao của lạm phát. Một chai dầu ăn hai lít có giá 5 triệu đôla Zimbabwe.
100 ngàn tỉ đôla Zimbabwe chỉ tương đương 40 xu Mỹ vào lúc nó sụp đổ. Siêu lạm phát kết thúc khi đồng tiền đếm số 0 mỏi miệng này bị loại bỏ hoàn toàn và được thay thế bởi một hệ thống đa tiền tệ trong đó đồng đôla Mỹ chiếm ưu thế, có giai đoạn còn có cả Nhân dân tệ của Trung Quốc.
21%
Là tỉ lệ dân số Zimbabwe sống dưới ngưỡng 2 USD/ngày vào năm 2011 - mức cực nghèo đói theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
13,5%
Zimbabwe đứng thứ 6 về tỉ lệ người trưởng thành bị nhiễm HIV/AIDS trong số các nước Châu Phi hạ Sahara năm 2016, theo Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).
Thời kỳ đỉnh cao năm 1997, tỉ lệ này lên tới hơn 24%. Sự sụt giảm này được cho là nhờ vào các chiến dịch tuyên truyền sử dụng bao cao su, các chương trình ngăn bệnh từ mẹ sang con và điều kiện y tế được cải thiện.
60 năm
Là tuổi thọ trung bình của người dân Zimbabwe vào năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Dưới thời của ông Mugabe, tuổi thọ trung bình của người dân nước này đã từng chạm đáy 43,1 năm vào năm 2003.
Một thập kỷ bất ổn, can thiệp vào cuộc nội chiến Congo đã kéo tuổi thọ trung bình của người Zimbabwe sụt giảm liên tục trong từ 1990 tới 2003.
Tuổi thọ trung bình tỷ lệ nghịch với tỉ lệ số người nhiễm HIV/AIDS.
81%
Zimbabwe có tỉ lệ sở hữu điện thoại di động rất cao, cứ 100 người thì có tới 81 người sở hữu điện thoại di động, theo cuộc khảo sát về sức khỏe và nhân khẩu học Zimbabwe năm 2015; 43% hộ gia đình có máy thu thanh, 37% có truyền hình và chỉ 10% có máy vi tính.
89%
Mugabe, người đã từng là giáo viên, sẽ còn được nhắc đến như là một người đã đưa Zimbabwe trở thành một trong những nước có tỉ lệ người biết chữ cao nhất châu Phi, ngang ngửa các nước phát triển trên thế giới.
Nhưng nói như một số nhà quan sát, nỗ lực khai mở dân trí của ông Mugabe được ví như hành động "tự đào huyệt chôn mình".
40 năm là thời gian đủ nhiều để một thế hệ lớn lên, chứng kiến và thấu hiểu những gì đang xảy ra ở Zimbabwe. Không có gì ngạc nhiên khi 3 ngày vừa qua, những người hăng hái đòi ông Mugabe từ chức nhất là các sinh viên, những người trẻ có học thức.
Theo Tuoitre.vn