(Baonghean) - Cuộc sống luôn tiến về phía trước, xã hội đáng lý ra phải văn minh hơn nhưng đây đó vẫn còn tàn dư của cường hào, ác bá thời xưa

Hôm trước, nhân chuyện cán bộ lãnh đạo xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ép dân mua bò già để kiếm lời từ chính sách chuyển đổi nghề của Chính phủ dành cho đồng bào thiểu số nghèo, một nhà báo đã ai oán thốt lên: Cuộc sống luôn tiến về phía trước, xã hội đáng lý ra phải văn minh hơn nhưng đây đó vẫn còn tàn dư của cường hào, ác bá thời xưa, nhất là tại các vùng nông thôn hiện nay. Rồi ông dẫn thêm ra luôn mấy trường hợp cụ thể là quan xã “ăn chặn” gà hỗ trợ người nghèo ở Quảng Nam và quan huyện lùa dê chính sách của dân về nhà mình  ở Thanh Hóa vào năm ngoái, năm kia như là những “nhân chứng, vật chứng” điển hình. Và nay là chuyện ở Ninh Thuận.

minh họa
Hình mang tính minh họa.

Đầu đuôi câu chuyện là như thế này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ dân nghèo chuyển đổi nghề theo cách cấp cho mỗi hộ 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Thay vì đưa tiền trực tiếp cho dân thì ông Phó Chủ tịch xã Nhơn Sơn đã “bắt tay” với mấy ông lái bò đặt mua 20 con bò với giá 20 triệu đồng/con rồi phân phối cho dân. Nếu là bê non hay bò tơ thì không nói làm gì. Đằng này, toàn là bò già và ốm đau, bệnh tật đầy mình. Loại đó, giá thị trường đắt nhất cũng chỉ cỡ trên chục triệu đồng một con. Với hai chục con bò, mấy ông quan xã “ăn ra” được cả trăm triệu bạc. Thật đúng là buôn gì, bán gì lãi được bằng thế.  Dân biết là bị cán bộ lừa liền cự lại thì bị dọa là cắt chế độ thụ hưởng chính sách chuyển đổi nghề của chính phủ. Hội nông dân xã lên tiếng phản đối cũng bị gạt phăng đi.

Trước đó, cũng tại tỉnh Ninh Thuận, chính quyền xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước buộc 55 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải nhận bò mà xã đã đặt mua sẵn. Dân phản ứng nhưng không thắng được ý xã. Không chỉ ức hiếp, ăn chặn dân lành mà các quan xã còn bật đèn xanh cho những hành động rất mất đạo lý, cạn tình người như là không cấp giấy chứng tử, không cho mượn xe tang, kèn trống làm đám ma ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chỉ vì người chết  còn nợ thuế đất nông nghiệp, đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… tổng cộng hơn 1,7 triệu đồng. Rồi những chuyện làm giả hồ sơ chứng nhận có công để hưởng chế độ,  ăn bớt tiền của các gia đình chính sách, người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam hay bắt người sống phải chết để ăn tiền tuất, bắt người chết phải sống lại để ăn tiền lương hưu trí… xảy ra đều đặn trong nhiều năm nay  đều bắt nguồn từ các hành vi sai trái lạm quyền, lộng quyền của các cán bộ, công chức cấp xã.

 Chuyện đúng là như vậy, nhưng nói những chuyện đó  là tàn dư của thời xưa để lại không hẳn đã là chính xác. Bởi đã từng có một thời chưa xa, những chuyện ăn bớt, ăn chặn kiểu đó không hề có. Tàn dư, rác cũ đã bị quét khá sạch sẽ. Nay lại nảy nòi những chiêu trò nhiễu nhương, bắt chẹt, ức hiếp dân chúng theo những cách thức mới mẻ, khác hẳn với mấy ông lý, ông bá, ông trương tuần ngày xưa thì không thể coi đó là tàn dư được. Bởi chế độ cũ đâu có những chính sách hỗ trợ dân nghèo như bây giờ nên cái sự hoạnh họe, ăn chặn, ăn bớt cũng chỉ quẩn quanh bữa rượu, con gà hay vài đồng bạc lẻ chứ không bẫm như bây giờ. Nên đó có khi là một lớp “cường hào” mới nảy sinh, mới hình thành ở nông thôn. Điều đáng băn khoăn là những người đó là ở cơ sở ta có cả một hệ thống giám sát rất đầy đủ từ cấp ủy, chính quyền đến các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

Ta cũng có cả một hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật khá là chi tiết dùng để khắc chế những hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu của các công bộc. Rồi ta cũng có các cơ quan kiểm tra, thanh tra, nội chính chuyên kiểm tra, xử lý những sai phạm kiểu đó suốt từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, hằng năm còn có các đợt sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình…  mà sao họ vẫn cứ có cơ hội để lộng hành theo kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Như vậy có thể thấy trong hệ thống kiểm tra, giám sát tưởng như rất chặt chẽ đó, trong các đợt sinh hoạt chính trị  thường kỳ đó vẫn có những kẽ hở, những lỗ hổng để cho cái hư, cái xấu có đất phát triển. Những kẽ hở, lỗ hổng đó không ai biết, không ai thấy hay có biết, có thấy mà phó mặc để rồi “hòa cả làng” ? Để nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên cần nhìn thẳng, nói thật, nói hết với nhau mọi nhẽ thì may ra mới có thể hiểu rõ được căn nguyên. Bởi có không ít chuyện ai cũng thấy, cũng biết rõ cơ sự, nhưng lại không ai chịu nói ra cả thành ra, mọi sự vẫn cứ…

Đã đến lúc phải có những chương trình, kế hoạch thiết thực để chấn chỉnh, cải tổ hoạt động của bộ máy công quyền ở cơ sở xã, phường, thị trấn . Nếu không, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dù có tốt đẹp đến mấy rồi cũng bị méo mó đi bởi đội ngũ cán bộ thực thi vừa yếu kém lại vừa không liêm khiết. Ở chỗ này, không phải “nhà dột từ nóc” mà là nhà thủng từ nền. Cần phải đắp vá lại cho lành bắt đầu từ việc triệt nạn cường hào mới ở chốn thôn quê.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN