Thực ra, triết lý bóng đá của Jose Mourinho đã giúp khá nhiều đội bóng thành công. Tại V. League mùa này, nhà đương kim vô địch Hà Nội với hàng công cực mạnh đã ghi được tới 60 bàn thắng, chỉ để thủng lưới 30 bàn.
Nếu không dưỡng quân đá bán kết Cúp quốc gia, để thủng lưới tới 4 bàn thì Hà Nội cũng nhiều khả năng có số bàn thua ít nhất. Nhưng với phố núi và SLNA thì mọi việc không diễn ra như thế!
Công cùn, thủ chắc
Mùa này, SLNA là đội bóng có hàng phòng ngự tốt nhất V.League. Sau 26 trận đấu họ chỉ để thủng lưới 26 bàn, đặc biệt trên sân Vinh 13 trận đấu họ chỉ thủng lưới 7 bàn. Có đến 8 trận đấu của SLNA kết thúc với tỷ số 0-0 trong 11 trận hòa của đội bóng xứ Nghệ.
Nhưng rốt cuộc SLNA chỉ cán đích ở vị trí thứ 7 của mùa giải, nằm ở nhóm trung bình của V. League, xếp sau cả B.Bình Dương, Sài Gòn, tân binh Viettel. Dù năm nay đội bóng được nhận thêm 20 tỷ đồng từ nhà tài trợ mới, nhưng thành tích chỉ 35 điểm đứng thứ 7, thua xa mùa giải trước 42 điểm, đứng thứ 4. Đúng tại sân Vinh đang có cảnh “phú quý sinh giật lùi”, không phải có thêm tiền bạc là thành tích tốt lên.
Việc có 12/26 trận đấu không ghi được bàn thắng khiến cho thành tích đội bóng xứ Nghệ xấu đi, dù hàng phòng ngự chơi rất tốt. Trong bóng đá, không ghi bàn thì đừng bao giờ nghĩ đến chiến thắng.
Mặc dù SLNA đã mua 3 ngoại binh, Olaha, Alves dos Santos và Vinicius nhưng rốt cuộc họ chỉ có tổng số 10 bàn thắng, thua xa 1 ngoại binh của các đội bóng khác. Thậm chí, nếu không chấn thương thì ngay cả Hồ Tuấn Tài (8 bàn) cũng có hiệu suất ghi bàn bằng cả 3 ngoại binh.
Bản thân Olaha không phải là cầu thủ tồi nhưng việc kéo anh ta lùi quá sâu về phần sân nhà đã khiến cho lực lượng tấn công mỏng đi nhiều. 10 cầu thủ của đội bóng xứ Nghệ chỉ ghi 32 bàn thắng, lại tập trung vào vài trận (thắng S.Khánh Hòa 4-1, thắng B.Bình Dương 5-1, HAGL 3-0) cho thấy hiện tại SLNA không có mẫu cầu thủ sáng tạo đột biến, có khả năng mở tỷ số khai thông thế bế tắc. Việc Văn Đức, Tuấn Tài, Xuân Mạnh chấn thương đã khiến BHL SLNA gặp khó khăn và không có cầu thủ thay thế.
Hàng tiền vệ với những cái tên Khắc Ngọc, Ngọc Toàn, Văn Bình đã chạm ngưỡng về chuyên môn, các miếng đánh đều được đối phương nghiên cứu kỹ nên không có nhiều đường kiến tạo thành bàn. Lối đá của SLNA vẫn phụ thuộc nhiều vào tốc độ, sức mạnh của cầu thủ hàng công hơn là tạo nhiều đường chuyền bất ngờ.
Dành cả thanh xuân để trụ hạng
Với HAGL, mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại của SLNA. Bầu Đức không ngần ngại tuyên bố: "Đội cứ đá đẹp thì có thua vẫn sướng!". Dựa vào lối chơi bóng ngắn, ban bật nhỏ Văn Toàn, Minh Vương, Tuấn Anh, Xuân Trường... đã làm ngây ngất khán giả phố núi.
Bất chấp sau lượt đi, HAGL là đội thủng lưới nhiều nhất thì HLV Lee Tae-hoon vẫn chỉ bổ sung 3 cầu thủ tấn công. Hoặc HLV người Hàn quốc này không thực quyền mua bán cầu thủ hoặc ông quá lạc quan chuyên môn để rồi sau đó các học trò, lần thứ 5 liên tiếp đã phải “Dành cả thanh xuân để... đua trụ hạng!”.
Hàng công HAGL ghi được 45 bàn, chỉ thua nhà vô địch Hà Nội 60 bàn nhưng hàng phòng ngự lại để thủng lưới… 46 bàn. Đội bóng phố núi có cả vua phá lưới nội với 12 bàn thắng, vua kiến tạo với 11 pha làm bóng (cùng 9 bàn thắng) nhưng vẫn kết thúc mùa giải với vị trí thứ 8.
Tôn chỉ đá đẹp và cống hiến của bầu Đức không sai nhưng bóng đá, rốt cuộc thước đo vẫn là chiến thắng và thành tích chứ không chỉ dừng ở việc sướng mắt. Cầu thủ vẫn cần huy chương, danh hiệu chứ không chỉ đá để… trụ hạng.