(Baonghean.vn) - Nhờ có điều kiện thuận lợi về đất đai, trong những năm trở lại đây, bò sữa đang nổi lên là đối tượng nuôi đem lại kinh tế cao cho người dân các xã miền núi; mỗi năm doanh thu từ nuôi bò lấy sữa đạt gần 14 tỷ đồng.
Năm nay là năm thứ hai, gia đình ông Nguyễn Văn Biên ở xóm 6 Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng phát triển chăn nuôi bò sữa. Từ ngày tiếp cận với đối tượng nuôi mới này, kinh tế gia đình khấm khá hơn. Ông Biên cho biết, năm 2016, ông mua 8 con bò với giá 57 triệu đồng/con, trong đó có 3 con đã cho sữa. Nhờ áp dụng quy trình nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của hợp tác xã, đàn bò sữa của gia đình ông nhanh lớn, phát triển khoẻ; bình quân mỗi ngày, 3 con bò cung cấp hơn 60 kg sữa. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 500 nghìn đồng/ngày.
“Nhận thấy chăn nuôi bò sữa có hiệu quả kinh tế, đến nay gia đình tôi đã phát triển đàn bò lên 13 con, dự kiến cuối năm 2018 sẽ có 8 con cho sữa, nâng giá trị thu nhập đạt hơn 2 triệu đồng/ngày”. Ông Nguyễn Văn Biên phấn khởi chia sẻ.
Đó cũng là niềm vui của rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Quỳnh Thắng khi đầu tư chăn nuôi bò sữa. Để có được thành quả như hôm nay, năm 2005, địa phương đã tổ chức cho một số hộ dân đi tham quan học hỏi chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ. Nhận thấy, điều kiện đất đai ở địa phương rất phù hợp để phát triển vật nuôi này, sau khi tham quan về có 13 hộ đã mua 50 con bò sữa nuôi thử nghiệm. Đến nay sau hơn 12 năm tiếp cận nuôi bò sữa, từ 13 hộ nuôi đã phát triển lên 47 hộ với tổng đàn hơn 447 con, trong đó có 194 con cho sữa. Qua thống kê từ các hộ chăn nuôi, bình quân mỗi ngày, đàn bò cung cấp khoảng 3,2 tấn sữa; sản lượng sữa cả năm đạt 1.152 tấn, với giá sữa từ 12.000 đồng – 14.000 đồng/lít, doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, một hộ dân ở Quỳnh Thắng đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua 10 con bò sữa, xây dựng chuồng trại ở vùng đất đồi cao. Đến nay, sau hơn 3 năm nuôi và chăm sóc, 7 con đã cho sữa; mỗi ngày gia đình anh thu hơn 1,4 tạ sữa cho thu lãi 1,5 triệu đồng. Chỉ sau 2 năm, gia đình ông vừa xuất bán con giống và sữa đã kéo lại ½ vốn đầu tư.
“So với chăn nuôi con vật khác thì bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi lấy sữa xong, chỉ sau 2 giờ là nhập hết cho công ty sữa trên địa bàn”. Anh Mạnh cho biết.
Để nâng cao chất lượng chăn nuôi bò sữa cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến được thành lập. Vai trò của hợp tác xã là tìm kiếm đầu ra sản phẩm, tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăn nuôi cho các thành viên để nâng cao hiệu quả. Hiện nay, HTX chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến đang ký kết lâu dài với Công ty sữa Vinamilk, có điểm thu mua đóng tại xã Quỳnh Thắng. Đầu ra ổn định, giá thu mua cao đã giúp người dân yên tâm chăn nuôi.
Với sự phát triển, tăng tổng đàn bò sữa hiện nay ở Quỳnh Lưu cũng đang đặt ra vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các xã chăn nuôi bò sữa tuyên truyền tới hộ dân cần tuân thủ các quy trình đảm bảo vệ sinh. Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, địa phương yêu cầu những hộ dân chăn nuôi với số lượng đàn bò lớn phải nằm cách xa khu dân cư; nếu các hộ chưa có điều kiện di chuyển cần tăng cường xây dựng các hố biogas, đặc biệt phân chuồng phải được ủ hoai, không được tưới thẳng nước ra môi trường.
Chăn nuôi bò sữa ở Quỳnh Lưu đang khẳng định thế bền vững và lâu dài; với điều kiện đất đai thuận lợi, đầu ra ổn định, việc nhân rộng, phát triển đàn bò sữa là điều không khó. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, các địa phương cần quan tâm, giúp đỡ bà con về kỹ thuật nuôi cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường; qua đó giúp nghề chăn nuôi bò sữa ở Quỳnh Lưu phát triển ổn định, đem lại kinh tế cho người dân./.
Việt Hùng