Năm 2021, đã giải quyết việc làm cho 40.294 người
Năm 2021, ngành đã có nhiều nỗ lực để vượt qua đại dịch, hoàn thành tốt nhiệm vu được giao. Bên cạnh những công tác thường xuyên hoàn thành đạt mục tiêu, chỉ tiêu, Sở đã giải quyết nhanh hiệu quả những công tác đột xuất. Điển hình là từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến tháng 10/2021, số lượng lao động Nghệ An từ các vùng có dịch Covid-19 về quê rất lớn, tỉnh đã đón hơn 99.957 công dân. Sở Lao động - TB và XH đã tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương để tổ chức đón, cách ly y tế công dân từ các vùng dịch trở về đảm bảo an toàn.
Sở, ngành đã tập trung chỉ đạo nắm chắc tình hình diễn biến lao động, việc làm, nhất là lao động từ các vùng dịch trở về địa phương, lao động Nghệ An ở nước ngoài về. Tham mưu nhiều giải pháp đồng bộ tập trung giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường tổ chức các hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm tại cơ sở...
Trong số 45.292 người về quê tránh dịch có nhu cầu giải quyết việc làm; đã có 9.518 người đã được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 9.323 người trở lại làm việc tại các doanh nghiệp cũ (ngoại tỉnh); số lao động còn lại tự tạo việc làm tại địa phương trong trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt...
Ước tính năm 2021, giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104,66% kế hoạch). Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Lao động trở về quê có nhu cầu giải quyết việc làm đã được quan tâm, đạt kết quả quan trọng. Các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện tốt như: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, huyện Nghi Lộc, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Hoàng Mai.
Bên cạnh đó, Sở đã Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, số 126/NQ- CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 22/12/2021, 12/12 chính sách hỗ trợ đều đã được tỉnh triển khai thực hiện, các chính sách đã đi vào cuộc sống, được phần lớn người lao động, doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao.
Tổng số đối tượng đã phê duyệt: 136.802 lượt đối tượng (trong đó 126.618 đối tượng thụ hưởng trực tiếp, hỗ trợ bổ sung cho là 10.184 phụ nữ mang thai và trẻ em) với kinh phí đề nghị hỗ trợ là 201 tỷ đồng.
Nhiều khó khăn khi triển khai các nhiệm vụ trong đại dịch
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các điểm cầu cho biết, hiện nhiều nơi vẫn còn nhận được các ý kiến phản hồi trong vấn đề giải quyết chế độ hỗ trợ lao động gặp khó khăn trong đại dịch theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND. Theo đó, các chính sách được quy định tại Nghị quyết, quyết định này chưa thể bao phủ hết các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiến độ thực hiện tại một số địa phương cơ sở chậm.
Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực hoạt động của ngành như: Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,tuyển sinh đào tạo nghề, số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ cai nghiện ma túy tự nguyện đạt thấp. Kết nối cung - cầu lao động gặp khó khăn; trẻ em bị đuối nước, bị xâm hại, bạo lực, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Trong năm tới sẽ còn cần nhiều giải pháp để thích ứng với “tình hình mới” khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Ngành sẽ tiếp tục chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tham mưu UBND tỉnh, tập trung chỉ đạo xây dựng phương án và chuẩn bị các kịch bản dự phòng hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long cho biết: Dù chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động đã có những thành quả đáng ghi nhận. Thế nhưng vấn đề việc làm cũng cần phải suy nghĩ khi nhiều lao động phổ thông của tỉnh chưa tiếp cận được các vị trí việc làm ở trong doanh nghiệp, công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cũng là vấn đề đáng suy nghĩ khi hiện nay việc thu hút tuyển dụng lao động vào học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. "Làm sao để có người học, làm sao để nâng chất lượng tay nghề cho lao động giúp họ nâng cao thu nhập là điều chúng ta phải suy nghĩ, để đưa ra phương án cụ thể và khả thi nhất", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Tới đây chúng ta cần triển khai kế hoạch tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác đón Tết Nguyên đán năm 2022 với tinh thần không để người dân nào không có Tết, "không để ai bị bỏ lại phía sau", hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19./.