(Baonghean) - Gần Tết, những chuyến xe chất đầy cành đào từ Tri Lễ (Quế Phong) chở về xuôi. Trong sự nhộn nhịp đó, bà con đồng bào Mông nơi đây thực sự vui mừng vì cây đào trồng trên nương rẫy, trong vườn nhà nở hoa khoe sắc, đồng thời đem lại khoản thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Có những cành đào được thương lái thu mua hàng triệu đồng… 

Đào Mông được đưa xuống chợ
Đào Mông được đưa xuống chợ

Những năm qua, cùng với sự động viên của cấp ủy, chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng, đồng bào Mông ở Tri Lễ đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế, phát triển chăn nuôi... Đặc biệt, những năm gần đây, đào đá, đào mốc hay còn gọi là đào Mông được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vào dịp trước Tết, các thương lái đi vào tận các bản vùng sâu, vùng xa trên lưng chừng núi để thu mua. Nắm bắt cơ hội này, nhiều người Mông nhanh chóng chặt cành đào rừng để bán. Nhưng rồi, chặt nhiều, đào ngày càng trơ trụi. Một số hộ đã mạnh dạn thử nghiệm trồng đào để bán. 

Anh Và Dũng Dê, bản Pà Khốm năm nay 30 tuổi, nhưng có “thâm niên” 5 năm trồng đào trên nương rẫy để bán vào dịp Tết chia sẻ: “Mấy năm trước đào rừng nhiều, mỗi năm đi lấy cũng bán được từ 5 đến 10 triệu, mấy năm gần đây thì đưa về trồng ở nhà, đào này phát triển rất nhanh, bán được cả cây và nếu có quả cũng dễ bán, có giá trị…”. Do thời tiết của vùng biên giới đặc thù, nên những cây đào trồng của người Mông không khác cây đào tự nhiên là mấy. Cành sần sùi, khô ráp. Những thân cây lâu năm được phủ một lớp rêu, nụ thường nhiều và hoa có màu hồng rất đẹp. Đây cũng là lý do để các tay săn đào tìm đến Tri Lễ mua đưa về xuôi bán. 

Ông Thò Dua Tếnh, Trưởng bản Pà Khốm, xã Tri Lễ cho biết thêm: “Từ năm 2009 đến nay, thấy nhiều người miền xuôi lên lấy cành đào, người Mông ta mới biết họ buôn bán có lợi nhuận. Vì thế, đồng bào cùng rủ nhau trồng đào để bán quả, bán cành. Cây đào trồng 3 năm là có hoa, có quả. Vì thế người Mông ta không chỉ trồng đào trên rẫy, mà còn trồng nhiều ở vườn nhà nữa. Mình trồng nhiều đào với mong muốn nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo”.

Những ngày cuối năm, dọc tuyến đường từ xã Tri Lễ xuống chợ huyện Quế Phong, những chiếc xe tải chất đầy những cây đào rầm rập về xuôi. Khác với nhiều năm trước, năm nay, những cành đào được trồng từ nương rẫy, hoa như hồng thắm hơn bởi có sự chăm sóc của đồng bào. Vẫn có nhiều cành đào sần sùi, meo mốc được bán với giá cao. Đó là những cây được trồng trên đỉnh núi mây mù. Núi càng cao thì cây đào càng có nhiều meo mốc. Đó là đặc trưng nổi bật của đào Tri Lễ. 

Nhằm góp phần cho cây đào Mông phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, tiến tới xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống cho bà con dân tộc vùng biên giới, năm 2013, Ban phát triển miền núi Quế Phong cùng chính quyền địa phương xây dựng mô hình trồng 6.000 gốc đào tại 2 bản Pà Khốm và Huồi Mới 2.

Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết thêm: “Năm 2013, tổ chức cho các bản đồng bào Mông làm lúa 2 vụ, tuy nhiên khí hậu quá khắc nghiệt, vì vậy Đảng ủy, chính quyền họp bàn thống nhất tổ chức trồng đào, làm mô hình tại bản Pà Khốm và Huồi Mới 2. Qua 2 năm thực hiện, cây đào rất có hiệu quả, mô hình này chắc chắn sẽ giải quyết xóa đói, giảm nghèo cho các bản người Mông, vì thời tiết rất thích hợp cho đào phát triển, nở hoa đẹp và nếu để lấy quả cũng rất nhiều quả. Thời gian vừa qua, có những cành đào của bà con trồng được thương lái mua với giá 7 triệu đồng; thấp nhất là 500 ngàn đồng. Hiện chính quyền và người dân đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng đào để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…”.

Cây đào đã được Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ xác định làm cây chủ lực để triển khai nhân rộng diện tích ở 8 bản người Mông. Theo đó, xã đang tham mưu lên huyện Quế Phong lồng ghép chính sách hỗ trợ người dân trồng đào theo hướng hàng hóa… Theo đó, vài năm tới, vùng biên Tri Lễ sẽ rực rỡ sắc đào vào độ Xuân về.

Vân Thanh