Sau một thời gian trăn trở để tìm cho mình một mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, tình cờ thông qua một người bán cây giống, ông Đào Xuân Khoát ở xóm 7, xã Quỳnh Hoa biết được ở Ninh Thuận đang có nhiều gia đình trồng táo Thái Lan cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vì thế, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất, ông đã mạnh dạn nhận 3ha đất ở khu vực Bắc Ông Nông để đầu tư trồng táo giống Thái Lan.
Ban đầu, khi thấy ông đem giống táo mới về trồng, ai cũng can ngăn, vì trong làng ai chẳng trồng táo. Hơn thế, ngay vụ táo đầu tiên, ông chỉ thu được 5 triệu đồng. Do ông không có vốn để đầu tư làm giàn nên táo gần đến kỳ thu hoạch gặp gió bị gãy rụng. Không lùi bước trước khó khăn, ông tiếp tục đăng ký theo học các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả do Hội Nông dân xã tổ chức.
Nhờ được chăm sóc cẩn thận, làm giàn chống gió theo đúng quy trình kỹ thuật, sau khi trừ chi phí, vụ táo thứ 2 ông có lãi được 60 triệu đồng.
Ông Khoát chia sẻ: Cây táo Thái Lan rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở địa phương, lại tương đối dễ trồng, thị trường đang ưa chuộng nên sau mỗi vụ thu hoạch, vợ chồng ông lại mở rộng thêm diện tích trồng. Đến nay, gia đình ông đã có tổng cộng gần 300 gốc táo, mỗi năm có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Cũng có thu nhập cao từ trồng táo là gia đình bà Lê Thị Liên ở xã Quỳnh Thạch. Những ngày này, táo tiêu thụ mạnh, mỗi ngày bà bán ra thị trường từ 100 - 150 kg, với giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm trồng táo của bà Liên, khi đốn cành phải chú ý chừa 3 - 4 nhánh ở phần gốc để sau này dễ tạo tán và sai quả. Năm đầu tiên đốn 20cm so với mặt đất thì năm thứ 2 đốn cách vết thứ nhất 10 - 15cm.
Sau mỗi lần đốn cành cần phải tưới nước, bón phân đầy đủ để kích thích cây phát triển nhanh. Đến khi hình thành quả, để phòng trừ côn trùng hại quả (ong, ruồi chích quả), cần mua thuốc phòng ong về treo vào các cây.