(Baonghean) - Sự tồn tại của biên giới vật chất hay phi vật chất là điều tất yếu trong xã hội loài người. Một nhà triết học phương Tây đã nói rằng, loài người của thuở sơ khai bước vào xã hội khi cá thể người đầu tiên vạch ra ranh giới trên mặt đất và tuyên bố "mảnh đất này là của tôi". Thật vậy, điều đưa con người lên một tầm cao hơn các động vật khác chính là khả năng tồn tại trong một tập hợp các cá thể cùng chủng loại, đồng thời vừa chứng tỏ bản thân và thể hiện sự khác biệt so với các cá thể khác của cộng đồng. Từ đó ra đời các bộ tộc, nền văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo và là nền móng cho một thế giới phân chia có tổ chức thành các quốc gia. Máu và nước mắt đã đổ xuống trang lịch sử nhân loại, đánh dấu những xung đột giữa các cộng đồng. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn tồn tại trên mặt đất này, dưới cùng một cái tên: Con Người. Vậy, đâu là mối liên kết dai dẳng bền bỉ đưa chúng ta lại bên nhau bất chấp những khác biệt và mâu thuẫn tất yếu?Bắt đầu từ những điều bình dị và tự nhiên nhất như mối liên hệ máu thịt với cha, mẹ, anh em, cũng là mối dây chắc chắn nhất gắn kết ta với các cá thể khác, chắc chắn vì đi liền với trách nhiệm, đức hi sinh và tình yêu vô điều kiện. Từ cái nôi gia đình đầu tiên ấy, mối liên kết lan toả đi ra phạm vi rộng dần: là thân tình họ hàng gần xa, là tình láng giềng tương thân tương ái, là tình đồng hương, bằng hữu tương trợ lẫn nhau, là tình đồng bào bầu bí chung một giàn đất nước, là tình yêu thương nhân loại sẻ chia cho những con người ở rất xa mà ta chưa một lần gặp mặt. Lý do nào khiến chúng ta cảm thấy ràng buộc nhiều hay ít với cộng đồng xung quanh, nếu không phải là những điều chúng ta chia sẻ: dòng máu, gia tộc, mảnh đất nơi ta sống, mảnh đất nơi ta sinh ra, đất nước đang che chở nuôi dưỡng ta, hay ở một tầm rộng và xa hơn, bộ gen cùng có 23 cặp nhiễm sắc thể mặc định cho ta cái tên "con người"?Bên cạnh đó, có không ít những mối liên hệ xuất phát từ chính những khác biệt của các cá thể người. Tồn tại các nền văn hoá khác nhau vì mỗi cộng đồng sống theo những phong tục tập quán riêng, nhưng cũng chính những phong tục tập quán đó được đem ra làm chuẩn mực, định nghĩa cho một cộng đồng, tập hợp những cá thể độc lập lại thành một tập thể. Xin lấy việc nhập tịch một đất nước làm ví dụ: để được công nhận là công dân của một quốc gia, người nộp đơn được yêu cầu phải hiểu biết, chấp nhận lối sống, văn hoá, phong tục  và tuân thủ luật pháp của quốc gia đó. Thật ra, khác biệt giữa hai cộng đồng lại là điểm chung của các cá thể trong mỗi cộng đồng, cho phép hợp nhất chúng ta lại ở một mức độ nhất định (nhỏ như một trong 55 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, lớn như toàn bộ công dân Việt Nam, chẳng hạn). Tương tự đối với các tín ngưỡng, tôn giáo: nói một cách khoa học, bỏ qua các yếu tố tâm linh kì bí, tôn giáo là tập hợp các niềm tin được củng cố bởi những câu chuyện truyền miệng. Người ta giữ lấy niềm tin ấy một phần vì muốn được tin vào sự tồn tại của cái thiện, cái mỹ trên thế giới này. Hoặc cũng có những người tin vì muốn tìm lấy sự thanh thản trong tâm hồn, một chỗ dựa tinh thần trong những lúc khó khăn. Vì con người luôn hướng tới những điều tốt đẹp nên cùng đứng lại với nhau dưới bóng toả của một đức tin là chuyện hoàn toàn hợp lí. Nhưng có còn trung thành với mục đích cao đẹp ban đầu nữa không, nếu như ta áp đặt niềm tin của mình lên người khác, hay lợi dụng niềm tin của họ để mưu lợi cá nhân?Nói cho cùng thì văn hoá, tôn giáo là những điều chia chúng ta thành những cộng đồng khác biệt, nhưng không phải để đẩy chúng ta tới những thái cực đối lập, mà là chia để hợp, chia để đa dạng hoá lịch sử và tiến trình phát triển của nhân loại. Có lẽ trước khi đeo đuổi những niềm tin, lý tưởng xa xôi (mà đôi khi chính ta còn không biết là đang tin ai, tin vào cái gì), nên chững lại và nhìn vào những điều hiển hiện trước mắt: rằng trên hết, chúng ta đều là con người, rằng chúng ta đang sinh sống trên cùng một mảnh đất, cùng chảy trong tim dòng máu Lạc Hồng, cùng nhìn về một đất nước to đẹp trong tương lai. Như thế, có chắc chắn và đáng tin tưởng hơn chăng?

Hải Triều ( g­ửi từ Paris)