Hãng thông tấn Reuters hôm 16/5 dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các chiến hạm Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr sẽ đóng tại Địa Trung Hải để chống lại các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng ở Syria.
Cùng với tuyên bố trên, ông Putin cũng nhấn mạnh sẽ chỉ có tàu chiến mang tên lửa hành trình Kalibr hiện diện ngoài khơi Syria chứ không có bất cứ chiếc tàu ngầm nào của Nga hiện diện trong khu vực này.
Lý giải cho tuyên bố này, Tổng thống Nga cho biết, để tàu chiến cố định tại Địa Trung Hải là nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố đang hiện hữu ở Syria. Tuyên bố của ông Putin cho thấy Nga bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Trung Đông kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2015.
Theo tính toán của trang The Wall Street Journal, tính đến thời điểm hiện tại, Nga có 15 chiến hạm các loại, trong số đó có cả tàu Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen. Với số chiến hạm này, The Wall Street Journal ước tính hiện Nga có khoảng 120 quả tên lửa hành trình Kalibr ngoài khơi Syria và sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào.
Không chỉ thống kê số chiến hạm và vũ khí Nga hiện diện ngoài khơi Syria, tạp chí này còn so sánh Kalibr với Tomahawk của người Mỹ. The Wall Street Journal cho rằng, so với các loại tên lửa Tomahawk, Kalibr có nhiều tính năng vượt trội hơn.
Tên lửa Kalibr có tầm bắn ít nhất là tương đương so với Tomahawk (thậm chí xa hơn), vận tốc hành trình xấp xỉ nhau (cận âm) và cũng có khả năng bay men theo địa hình để tránh radar.
Tuy nhiên, Kalibr có một khả năng mà Tomahawk không có: đó là đầu đạn tên lửa dạng radar chủ động, cho phép tên lửa có thể tấn công chính xác mục tiêu dù GPS bị gây nhiễu. Kalibr là loại tên lửa đa năng có thể lắp đặt trên các loại tàu chiến nhỏ, các loại máy bay và có thể tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất.
Trong khi đó, BGM-109 Tomahawk chỉ được lắp đặt trên các tàu chiến cỡ lớn hoặc máy bay ném bom hạng nặng như B-52 hoặc B-2, nó cũng không có phiên bản dùng bệ phóng xe tải trên đất liền.
Tất cả những tính năng của Kalibr có được là nhờ công nghệ tiên tiến đặc biệt là động cơ của nó. Tạp chí này đưa ra ví dụ, các công ty trong nước Mỹ cung cấp các động cơ cho Lầu Năm Góc để trang bị cho bom dẫn đường cỡ nhỏ 250-500 pound, cũng như các loại bom hàng không.
"Còn đối với công nghệ động cơ tên lửa của Nga đã đi trước người Mỹ rất nhiều. Chính vì vậy, Washington đang quan tâm trực tiếp đến các động cơ tên lửa của Nga", tạp chí này cho biết thêm.
Trước đó, chuyên gia Schneider cũng đã cho biết rằng, điều khiến Mỹ và phương Tây lo ngại hiện nay là họ không có trong tay loại vũ khí nào tương xứng về sức mạnh so với tên lửa Kalibr trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga và các loại tên lửa hiện đại của Mỹ như BGM-109 và AGM-86 đều không thể sánh được.
Từ khi được đưa vào trang bị trong quân đội Nga từ năm 2015, tên lửa hành trình Kalibr đã khiến nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng phương Tây lo ngại, bởi nó được coi là một trong những loại vũ khí tầm xa chính xác nhất, uy lực nhất trong kho vũ khí Nga.
Loại tên lửa hành trình chính xác này gây lo ngại đến mức hồi tháng 8, sau khi được tin Nga bắn thử tên lửa Kalibr, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rằng Nga "là một mối đe dọa rất lớn".