PGS.TS Nguyễn Viết Tiến-Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá ca sinh đôi từ tinh trùng người chồng đã mất là rất hi hữu. Tuy nhiên, xét theo cách lưu trữ, nhiều trẻ đã được sinh ra sau khi cha bị quai bị, ung thư… nhờ cách này.
Lời đề nghị đặc biệt của người vợ có chồng vừa tử vong do tai nạn
Sự kiện 2 bé trai song sinh chào đời từ tinh trùng của người cha đã mất cách đây hơn 3 năm được giới chuyên môn đón nhận như một thành tựu của y học Việt Nam.
Từ tinh trùng được lấy của người chồng bị chết do tai nạn giao thông, chị H.T.K.D (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã được thụ tinh thành công cặp song sinh và đã sinh con hôm 9/12 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một bé nặng 2,4kg và 2,9kg. Điều đặc biệt của ca song sinh này, đó là chị D được thụ thai với tinh trùng được lấy từ cơ thể người chồng sau khi tử vong do tai nạn 6 tiếng.
Bác sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội là người thực hiện ca thụ tinh này và cũng là người đã trực tiếp lấy tinh trùng của người chồng quá cố của chị D vẫn nhớ như in hoàn cảnh lấy tinh trùng của người quá cố, để giờ chị D có thêm hai bé đáng yêu .
Theo đó, chiều 20/3/2010, BS Vương Văn Vệ nhận được điện thoại của chị H.T.K. D. ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đề nghị lấy tinh trùng từ người chồng bị tai nạn giao thông cách đây mấy tiếng.
“Khi tôi có mặt tại Bệnh viện Thanh Trì, Hà Nội, nơi thi hài chồng chị D. đang được bảo quản thì anh này đã tử vong trước đó 6 tiếng. Dù thi thể đã lạnh ngắt, nhưng với linh cảm nghề nghiệp tinh trùng vẫn sống tôi đã rạch lấy túi tinh hoàn bên phải của nạn nhân cho vào hộp bảo quản mang về ngân hàng tinh trùng BV chia làm 14 mẫu và lưu giữ ở nhiệt độ - 196 độ C”, BS Vệ nói.
Bác sĩ Vệ thực hiện việc lưu giữ cho 14 mẫu tinh trùng này như hàng nghìn mẫu tinh trùng khác đang được bảo quản tại BV thời điểm đó. “Có duy nhất điểm đặc biệt, đó là tinh trùng được lấy từ một người đã khuất”, TS Vệ nói.
Chị D chia sẻ, khi quyết định thụ thai với tinh trùng của người chồng quá cố, chị cũng rất lo lắng nhưng hình ảnh người chồng thân yêu thôi thúc chị thêm động lực cố gắng.
“Trước đó, tháng 9/2009 hai vợ chồng chị đã sinh con gái đầu lòng, nhưng đến tháng 3/2010, khi con gái vừa được 6 tháng tuổi anh đã đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Cả gia đình đều sốc, mình cũng sốc, không hiểu sao lúc ấy mình lại đủ bình tĩnh để gọi điện tư vấn thực hiện lấy tinh trùng của chồng lưu trữ”, chị D tâm sự.
Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho chồng, chị D luôn dự định sinh con nhưng vì con gái đầu còn nhỏ, lại sợ dư luận dị nghị, hiểu lầm nên đến tháng 3/2012, chị D mới quyết định và được bố mẹ chồng và mọi người ủng hộ. May mắn, ngay lần thụ tinh đầu tiên thai đã đậu. Ba tháng đầu có thai chị được theo dõi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thời gian sau là tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nhiều trường hợp đặc biệt đã sinh con nhờ lưu trư tinh trùng
Theo tiến sĩ Vệ, trường hợp sinh con của chị Dung về mặt kỹ thuật không có gì khó. Tuy nhiên, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam có trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng được lấy từ người bố đã chết.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia hàng đầu về thụ tinh ống nghiệm, về lý thuyết, tất cả mọi trường hợp đều có khả năng lưu trữ tinh trùng, tuy nhiên, việc lưu trữ tinh trùng thường chỉ được khuyến cáo thực hiện ở những trường hợp đặc biệt. Hiện tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản TƯ), lượng tinh trùng được lưu trữ khá nhiều, từ những người có nhu cầu đặc biệt là những người có bệnh lý liên quan cần điều trị về ung thư, phải xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Hay tinh trùng của những nam giới trưởng thành bị quai bị, sợ biến chứng vô sinh sau này cũng nên lưu trữ tinh trùng.
“Tại BV Phụ sản TƯ rất nhiều trẻ đã ra đời từ những phôi tinh trùng được trữ lạnh, có những đứa trẻ ra đời sau khi người bố đã tử vong vài năm vì ung thư, vì bệnh lý đặc biệt… Tinh trùng lưu trữ bảo quản được rất lâu, từ 3-10 năm, vì thế, với những trường hợp có bệnh lý đặc biệt, mọi người có thể đến viện làm thủ tục để lưu trữ tinh trùng”, TS Tiến nói.
Đánh giá về ca song sinh từ tinh trùng của người cha đã mất, TS Tiến nhận định về kỹ thuật, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, tuy nhiên rất là hãn hữu bởi nhu cầu không nhiều (người vợ khao khát có con với người chồng). Về mặt khoa học, sau tử vong 10 tiếng, tinh trùng lấy được vẫn sống và vẫn có khả năng lưu trữ “để dành” cho tương lai.
Hy vọng cho những trường hợp bị tai nạn mất tinh hoàn
Theo TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, y cả trên thế giới và trong y văn thì việc thụ tinh từ tinh trùng của người quá cố cũng rất hiếm gặp. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam. Về y học đó là thành công bởi chiết tinh trùng từ người sống đã khó nhưng BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã chiết tinh trùng từ mô của người chết rồi bảo quản trong nhiều năm. Thành tựu này cũng mở ra hy vọng cho những người đàn ông bị tai nạn, chẳng may tinh hoàn văng ra hoặc bị tổn thương thì vẫn gom lại được để bảo quản. Ngoài ra với những trường hợp mắc bệnh lý về ung thư trước khi điều trị hóa chất, người bị hôn mê… cũng có thế được lấy lưu giữ tinh trùng nếu gia đình có nguyện vọng.
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện mới có quy định về lưu trữ tinh trùng để điều trị cho những trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn được sự đồng ý của người cho. Còn như trường hợp trên việc lấy tinh trùng lưu trữ không có sự đồng ý của người cho như trường hợp này là chưa có quy định, tiền lệ.
Khi gặp những tình huống hi hữu, cần lưu trữ tinh trùng, người dân có thể gọi điện đến số điện thoại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Trung ương) 04.39346207 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Theo dantri