Bị nhốt cả tuần để chăm sóc cây giống cần sa, thường xuyên bị bỏ đói, là tình trạng của nhiều trẻ vị thành niên Việt Nam bị nhóm buôn người đưa sang Anh làm việc như nô lệ.
» Cảnh sát Nhật Bản xác nhận bé gái Việt đã chết sau 2 ngày mất tích
» Nguyên nhân tử vong của bé gái 10 tuổi người Việt ở Nhật
Theo báo The Guardian, trong thập kỷ qua, mỗi năm lại có hàng trăm nam nữ thanh niên Việt Nam bị nhóm buôn người đưa đến Anh.
Bị đánh đập nếu làm việc không đạt
Trong khi phụ nữ và bé gái bị gửi đến làm việc trong các tiệm làm móng hoặc phục vụ trong ngành công nghiệp tình dục, nam giới bị buộc làm vườn tại các trang trại cần sa bất hợp pháp, xây dựng lén lút ở những ngôi nhà vùng ngoại ô.
“Tháng đầu tiên thật kinh hoàng”, em trai 15 tuổi tên Tùng (Tung - theo báo The Guardian viết) từng bị nhốt suốt 2 tháng trời kể lại. “Con muốn đi ra ngoài, con muốn nói chuyện với ai đó. Con tưởng mình đã phát điên lên rồi”.
“Nhưng qua tháng thứ 2 thì con bắt đầu quen dần”, Tùng nghẹn ngào.
Bên cạnh đó, các em còn bị đánh đập nếu làm vệc không đạt yêu cầu, và thậm chí giới chức Anh còn không nhận ra các em là nạn nhân của nhóm buôn người.
Nhiều em như Tùng, còn bị ở tù khi trang trại nơi mình làm việc bị phát giác.
Thông thường, khi các trang trại cần sa bị đột kích, những người sống và làm việc ở đó bị bắt.
Nếu cảnh sát phát hiện họ là nạn nhân của nạn buôn người, họ sẽ được hủy truy tố, nhưng vẫn bị gửi đến các trung tâm tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp.
Những ai dưới tuổi thành niên sẽ được đưa vào hệ thống chăm sóc nhưng thường mất tích và sau đó lại trở về tay những kẻ buôn người.
Mới đây, Pháp đã triệt phá thành công một mỏ than bỏ hoang ở miền bắc nước này, nơi nhóm buôn người giữ khoảng 100 người Việt Nam, phần lớn trong độ tuổi 20 hoặc nhỏ hơn, để đợi nhập lậu vào Anh.
Báo cáo mới nhất của Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia Anh về cây cần sa cũng ghi nhận nhiều trang trại do các nhóm tội phạm Anh tổ chức đang có xu hướng sử dụng công dân Việt Nam.
Cảnh sát thờ ơ
Cảnh sát có vẻ vẫn chưa quan tâm đúng mực đến vấn nạn này. Ông Kevin Hyland, cao ủy độc lập chống nô lệ của Anh, lên tiếng chỉ trích cảnh sát Anh vì đã thất bại trong việc giải quyết vấn nạn này.
Ông cho rằng cảnh sát đã không đề cao tính cấp bách của vụ việc, cũng như thiếu quyết đoán trong trấn áp các mạng lưới buôn người.
Theo ông, các trang trại cần sa vẫn được phát hiện ra hàng tuần, nhưng “không được điều tra đúng mức".
"Mặc cho thực tế là Việt Nam luôn là một trong những nước có nguồn nô lệ bị đưa sang Anh nhiều nhất, nhưng từ trước tới nay chưa hề có một cuộc truy tố thành công nhóm buôn người từ Việt Nam nào", ông Hyland gay gắt.
"Thật đáng thất vọng”, ông Hyland chỉ trích. “Chúng tôi muốn các nạn nhân được tìm thấy và được giúp đỡ, nhưng tôi cũng muốn thấy thủ phạm bị bắt và bị truy tố”.
Theo phân tích của ông, cảnh sát làm việc không hiệu quả ở khâu thu thập thông tin khi họ tấn công các trang trại cần sa, cụ thể là đã không khai thác thông tin từ nạn nhân bị buôn bán.
Theo Tuổi trẻ