CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT

Một trong những vấn đề làm cản trở sự phát triển chung của tỉnh và ở mỗi địa phương chính là tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 30/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh  ủy về “Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên”, thời gian qua, cấp  ủy các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Ở huyện Đô Lương, liên tiếp 3 nhiệm kỳ đều ban hành đề án về công tác tư tưởng với việc xác định rõ các nội dung trọng tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Trong đó, tựu trung lại là khuyến khích tư tưởng, tư duy đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo từ chi bộ Đảng trở lên; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, khắc phục tư tưởng thỏa mãn hoặc khư khư giữ cái mình đang có mà phong trào của địa phương, cơ quan, đơn vị thì không có chuyển biến, bứt phá. Để tạo ra bước chuyển về tư tưởng, tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, các cấp ủy ở huyện Đô Lương gắn đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo trên cơ sở kết quả công việc và phong trào của cơ quan, đơn vị.

bna_image_1921018_2572021.jpgCán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương và xã Bồi Sơn trao đổi với nhân dân chủ trương phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Mai Hoa

Theo đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện  ủy Đô Lương: Sự chuyển biến về tư tưởng ở địa phương được soi chiếu bằng kết quả trong thực tiễn, đó chính là thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư với việc không chờ nhà đầu tư tìm đến mình mà chủ động tìm nhà đầu tư, đồng thời đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án từ giải phóng mặt bằng đến giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền và liên quan đến các sở, ngành cấp tỉnh. Bởi thế, nhiệm kỳ qua, huyện Đô Lương đã thu hút hơn 10 dự án đầu tư vào địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, thay đổi diện mạo của huyện. Đó còn là thể hiện một tư tưởng mới trong phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới với 29/32 xã về đích.

Người dân đã nhận thức rõ hơn về kinh tế hàng hóa, lấy giá trị trên đơn vị diện tích làm thước đo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…

Đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện  ủy Đô Lương

Đối với huyện miền núi Quỳ Châu, việc khắc phục hạn chế do tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại được gắn với khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị nhằm đổi mới về phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, trách nhiệm hơn, cụ thể hơn; hạn chế tình trạng làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả hoặc không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao. Huyện Quỳ Châu cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở thông qua tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và  tăng cường luân chuyển cán bộ về cơ sở để tạo môi trường học tập “hai chiều” cho cán bộ, công chức huyện, xã.

Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Kế Kiên

Đồng chí Lô Thanh Luận - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Châu khẳng định: Khi cán bộ, đảng viên thoát ly được tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại thì người dân cũng chuyển động theo. Bằng chứng, trên địa bàn huyện Quỳ Châu hiện nay, người dân đã từng bước tận dụng các điều kiện để mở rộng diện tích trồng mía công nghiệp với hơn 1.300 ha và cây ăn quả với hơn 120 ha; phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà từ nhỏ lẻ sang tập trung với tổng hơn 211 trang trại, gia trại. Đặc biệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của cán bộ và nhân dân từng bước khắc phục bằng việc góp của, góp công xây dựng nông thôn mới với 1 xã và 20 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,55% năm 2015 xuống còn 20,17% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 6%.

Với Tương Dương - huyện 30a, có nhiều khó khăn, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, để khắc phục tư tưởng bảo thủ, trong chờ, ỷ lại, cấp  ủy, chính quyền huyện  đã xác định rõ phải bằng chính nội lực; nội lực tư duy, trí tuệ của cán bộ, công chức trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ và nội lực từ sức lực, vật lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân.  

Kết quả chỉ đạo thành công 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện thời gian qua là bài học kinh nghiệm mang tính đột phá trong khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng chí Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương

Lãnh đạo huyện Tương Dương và xã Xá Lượng trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt phản ánh của người dân. Ảnh: Mai Hoa

CẦN QUYẾT LIỆT HƠN

Có thể nói, sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU về “Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên” của Ban Thường vụ Tỉnh  ủy, trong cấp  ủy các cấp, cán bộ, đảng viên đã nhận thức và nhận diện rõ hơn tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại để có giải pháp khắc phục. Bước chuyển rõ nhất chính là phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo. Ở một số địa phương đã mạnh dạn thay thế những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở bảo thủ, trông chờ, ỷ lại hoặc phong trào địa phương, cơ quan, đơn vị trì trệ, chậm phát triển, nhằm tạo ra bước chuyển động thực sự ở mỗi cơ sở, tạo ra sự cộng hưởng cho phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại vẫn đang còn tồn tại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0hiện nay, nếu tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại nếu không đặt ra quyết tâm và có giải pháp quyết liệt vừa cấp bách trước mắt và kiên trì lâu dài thì không những không theo kịp được sự phát triển chung mà thậm chí là dẫn đến sự tụt hậu.

Theo ý kiến của đồng chí Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện  ủy Tương Dương, muốn khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại thì trước hết ở từng cấp, cơ quan, đơn vị phải nhận diện thật rõ các biểu hiện theo từng nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong công chức và nhân dân như thế nào để có giải pháp phù hợp. Thực tế ở Tương Dương, ở một số cơ quan cấp huyện, một số cán bộ, công chức chưa chủ động xây dựng kế hoạch và có giải pháp để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền của đơn vị hoặc nhiệm vụ của cán bộ, công chức theo vị trí, việc làm mà đang thụ động giải quyết theo sự vụ, sự việc. Ở cơ sở, một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, lâm sản, khoáng sản…, mặc dù thuộc thẩm quyền quản lý nhưng chưa chủ động, chưa có biện pháp quản lý, thậm chí khi xảy ra sai phạm không xử lý mà trông chờ, ỷ lại vào lực lượng của huyện vào cuộc.

Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhằm phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Nhân dân xã Tân Thành, huyện Yên Thành tham gia làm kênh mương, đường hoa, trồng cây xanh). Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Muốn giải quyết tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, theo đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương, trước hết phải phát huy tính nêu gương của cán bộ, công chức trong đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dám tiếp thu, triển khai cái mới, cái tiến bộ, nhất là người đứng đầu các cấp. Bởi khi người đứng đầu nếu bảo thủ, trông chờ, ỷ lại thì cực kỳ nguy hiểm, khi đó vai trò “đầu tàu” sẽ không “kéo” được tập thể đi lên. Bên cạnh đó là cần khắc phục các rào cản về cơ chế, chính sách, như cơ chế tạo động lực để cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và cơ chế “cởi trói” trong phát triển kinh tế liên quan đến tích tụ ruộng đất, liên kết tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp…