(Baonghean) - Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều việc làm tích cực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra còn nhiều thách thức đối với Đảng bộ và nhân dân quê Bác. Để làm rõ hơn về lĩnh vực này, đồng chí Hồ Đức Phớc- Bí thư Tỉnh ủy đã dành thời gian trao đổi với Báo Nghệ An. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xin đồng chí cho biết một số giải pháp của tỉnh để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt ra?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 24 gồm 21 chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 với những giải pháp hết sức quyết liệt. Qua 1 năm thực hiện, tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng. Không khí chung hiện nay trong toàn Đảng bộ và nhân dân là khát vọng đưa Nghệ An bứt phá để phát triển trở thành một tỉnh khá nhất của miền Bắc, trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung bộ và đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. 

Gặp gỡ các nhà đầu tư

Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay chúng ta phải đạt được hai chỉ tiêu lớn: một là, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP nhằm tăng quy mô GDP của tỉnh, từ đó đưa mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh trên mức bình quân chung của cả nước và nằm trong tốp đầu của khu vực phía Bắc. Thứ hai, chúng ta phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. 

Và để các lĩnh vực, chẳng hạn như du lịch, thương mại, giáo dục - đào tạo, tài chính – ngân hàng, công nghệ - thông tin, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao thực sự sẽ trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ thì chúng ta phải thực hiện một loạt các giải pháp. Chúng ta phải tạo được cơ chế và phát động được phong trào, hay nói cách khác là khai thác được nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thứ hai là khai thác được tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Thứ ba là chúng ta phải thu hút đầu tư để có những nhà máy, dự án lớn tạo đột phá cho nền kinh tế, đưa quy mô của kinh tế chúng ta phát triển đi lên. Chính con đường đó mới tạo sự đột phá và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của miền Tây Nghệ An cũng như vùng biển đảo. 

Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm thực hiện thành công NQ 26 của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Rõ ràng Nghị quyết 26 đã mang lại cơ hội cho Nghệ An phát triển, nhưng cũng nhiều ý kiến đặt ra đây là thách thức không nhỏ khi xuất phát điểm của Nghệ An còn thấp. Vậy nhận định của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định đó. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, Nghị quyết 26 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị cũng như các Đảng bộ khác đối với tỉnh Nghệ An. Để đưa Nghệ An phát triển thành một tỉnh khá của khu vực phía Bắc và một tỉnh công nghiệp, trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung bộ, trước hết đòi hỏi nỗ lực hết sức to lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; sự trợ giúp của Trung ương và sự giúp đỡ của các tỉnh bạn. Điểm xuất phát của tỉnh thấp nhưng chúng ta cũng là một tỉnh nhiều tiềm năng mà những tiềm năng đó hiện nay chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mức. Cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn và việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra đột phá của kinh tế, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. 

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, hướng chỉ đạo của tỉnh nhằm tập trung kêu gọi, phân bổ, huy động nguồn lực để xây dựng Thành phố Vinh trở thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm của 7 lĩnh vực, trong đó hạt nhân là TP. Vinh. Tại Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ từ nay cho đến năm 2020. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, dự án để tập trung phát triển TP. Vinh và coi TP. Vinh là động lực của sự phát triển, tạo sự đột phá bắt đầu từ TP. Vinh, và các trung tâm kinh tế cũng hình thành từ TP. Vinh. 

Đến nay, TP. Vinh đã trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng. TP. Vinh hiện có 34 ngân hàng thương mại và tăng trưởng 28,8% với dư nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng. Hoặc là trung tâm giáo dục - đào tạo, chúng ta đã có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, có hàng trăm trường trung cấp và trung tâm dạy nghề; mỗi năm chúng ta có 21.000 - 22.000 học sinh vào đại học; số học sinh có điểm số cao chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội; số học sinh đạt học sinh giỏi đứng thứ 2 cả nước. Hoặc trong lĩnh vực du lịch và thương mại, chúng ta đã hội tụ nhiều khách sạn 5 sao, 4 sao. Số lượng khách du lịch gần 5 triệu lượt khách/năm. Các trung tâm bán lẻ lớn của quốc tế cũng đã có mặt trên địa bàn tỉnh. Và với tốc độ tăng trưởng, bứt phá cao như hiện nay, sẽ hình thành các trung tâm về các lĩnh vực trên địa bàn TP. Vinh. 

Giáo dục Nghệ An luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi Quốc tế

Về phía tỉnh cũng đã xây dựng để đệ trình với Chính phủ ban hành quy hoạch kinh tế, xã hội của TP.Vinh đến năm 2020, đưa TP.Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của Bắc Trung bộ thay thế Quyết định 239 với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt của Chính phủ dành cho tỉnh Nghệ An nói chung và TP.Vinh nói riêng. Thứ hai, tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch chung của TP.Vinh đến năm 2020, quy mô của TP.Vinh mở rộng gấp ba lần so với hiện nay, đến năm 2020 chúng ta có 300 km2, với quy mô dân số từ 350.000 dân lên đến 1 triệu dân. Lúc đó, TP. Vinh bao gồm TX. Cửa Lò, khu công nghiệp Nam Cấm, Quán Hành và Thị trấn Hưng Nguyên. Như vậy quy mô và các khu chức năng của TP.Vinh sẽ tăng lên và Vinh sẽ trở thành động lực phát triển, đầu tàu kinh tế cho tỉnh nhà.

Xây dựng TP. Vinh thành Trung tâm KT-VH của khu vực Bắc Trung bộ.

Phóng viên: Thực tế khó khăn hiện nay của Nghệ An là sự chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi quá lớn; miền Tây Nghệ An được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự khởi sắc. Vậy, xin đồng chí cho biết, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ nào để thúc đẩy miền Tây phát triển?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Đặc thù của địa bàn tỉnh Nghệ An là miền núi chiếm đến 83% diện tích, với 11 huyện, thị. Cơ cấu về nhân lực, miền núi có 1,4 triệu người trên tổng số 3,2 triệu dân của tỉnh. Muốn Nghệ An phát triển, chúng ta phải khai thác được tiềm năng, thế mạnh của miền Tây Nghệ An và đặc biệt công cuộc xóa đói, giảm nghèo của chúng ta ở miền Tây phải rất hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo để phát triển các vùng nguyên liệu ở miền Tây Nghệ An để đưa năng suất, hiệu quả, đưa thu nhập của miền Tây tăng lên; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhiều dự án lớn đã được tỉnh triển khai tại miền Tây. Ví dụ, ngành mía đường đã có 3 nhà máy đặt tại miền Tây và những nhà máy này được đánh giá hiệu quả nằm trong tốp đầu của cả nước với vùng nguyên liệu 33 ngàn ha mía. Tỉnh cũng đang triển khai trồng 14 ngàn ha cao su; triển khai dự án TH truemilk với quy mô khoảng 47 ngàn con bò sữa (Hiện tại có khoảng 34 ngàn con bò sữa với vùng nguyên liệu gần 12 ngàn ha); phát triển vùng nguyên liệu cam 3.500 ha, trong đó có 300 ha cam V2; phát triển cây chanh leo gắn liền với nhà máy chế biến để xuất khẩu trên địa bàn miền Tây. Thời gian tới, để khai thác được diện tích trồng rừng lớn trên địa bàn miền Tây, chúng ta sẽ đặt các nhà máy sản xuất gỗ thanh và MDF xuất khẩu nhằm tạo việc làm cho người dân. Và tỉnh cũng bố trí những nhà máy bằng công nghệ Đức để sản xuất ra các loại than sạch cung cấp cho thị trường châu Âu và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện ở địa bàn miền Tây. Đây là một thị trường rộng lớn, nó sẽ khai thác hết sức hiệu quả vùng rừng núi miền Tây Nghệ An. Và như vậy, người người đều có nghề, người người đều có thu nhập, miền Tây Nghệ An sẽ bứt phá, phát triển và bừng sáng một cách mạnh mẽ từ khoáng sản: đá trắng, thiếc… cùng với công nghiệp xi măng, thủy điện, phát triển tiềm năng lợi thế của rừng và các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy. 

Dự án TH truemilk với quy mô khoảng 47 ngàn con bò sữa 
Dây chuyền sản xuất sữa của TH truemilk

Còn việc xóa đói, giảm nghèo, tỉnh triển khai một loạt các chuỗi giải pháp, ví dụ tỉnh phát động 110 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ các xã nghèo. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ một xã nghèo. Và có những chính sách để phát triển 27 xã giáp biên giới Việt – Lào. Cùng với việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao như: đưa giống gà siêu trứng, chanh leo, giống lúa chống hạn và triển khai các chuỗi, ví dụ như: nuôi gà thả vườn, nuôi bò vỗ béo… với một loạt các chương trình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình kinh tế, chúng ta tạo được việc làm cho người lao động và sẽ xóa nghèo cho vùng miền Tây, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Để từ đó, hai vùng miền xuôi và miền núi xích lại gần nhau kể cả về mặt văn hóa, đời sống tinh thần và vật chất. Như vậy, Nghệ An sẽ tiến nhanh đến mục tiêu là trung tâm kinh tế của vùng cũng như tiến đến mục tiêu là tỉnh khá nhất của khu vực phía Bắc.

Phóng viên: Những giải pháp đồng bộ đem đến những hy vọng, kỳ vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, có những ý kiến băn khoăn liệu đến năm 2015, Nghệ An có thể trở thành một tỉnh khá hay không và đến 2020 có trở thành một tỉnh công nghiệp như nghị quyết đặt ra hay không? 

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 thì chắc là khó đạt, bởi vì quỹ thời gian để chúng ta triển khai và thực hiện mục tiêu này rất ngắn và sự bứt phá, sự trỗi dậy của chúng ta sẽ không theo kịp được với mục tiêu. Như tôi đã nói, muốn đạt được chỉ tiêu đó, chúng ta phải giải quyết cơ bản một loạt các chỉ tiêu về mặt kinh tế - xã hội, trong đó có 4 chỉ tiêu gốc như trên. Đây thực sự là một việc rất khó và chúng ta cần phải có thời gian. Ví dụ như khi triển khai một dự án, đầu năm ký kết thì cuối năm dự án mới có hiệu quả, điều đó có nghĩa, nhanh là sang năm mới có giá trị gia tăng. Cho nên việc đó cần phải có thời gian. Nhưng tôi tin tưởng là đến năm 2020 thì Nghệ An sẽ trở thành trung tâm kinh tế của vùng; trở thành tỉnh khá nhất của khu vực phía Bắc và cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Đó là ba mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Tôi tin tưởng với đà này, với cách làm này và với quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, cộng sự như thế này thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Phóng viên: Thưa đồng chí, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành và các tỉnh bạn thì trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, điều quan trọng nhất vẫn là nội lực của chúng ta. Vậy, tỉnh có những giải pháp nào để huy động nội lực hiệu quả nhất?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Ngoài vấn đề hỗ trợ của Chính phủ, cũng như sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các tỉnh, thì Nghệ An phải nỗ lực để phát huy được nội lực của mình. Vừa qua, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát huy nội lực. Tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Hiện chúng ta có 3.000 km đường giao thông nông thôn. Hoặc là chúng ta phát động bê tông hóa kênh mương cũng từ đóng góp của nhân dân. Ngoài ra, chúng ta có chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tham gia đầu tư các công trình, dự án của tỉnh, thu hút đầu tư từ những người là con em Nghệ An đã thành đạt ở nhiều nơi cùng với gia đình, họ hàng, địa phương về xây dựng những nhà máy, những dự án trên quê hương, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Cùng với nhiều cơ chế, chính sách khác, chúng ta chắc chắn sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chụp ảnh lưu niệm với kíp làm chương trình tại trường quay Báo Nghệ An

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN