(Baonghean) - Xét xử lưu động được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét đến nhiều yếu tố để tránh nảy sinh “tác dụng ngược”. 

Xét xử lưu động để... răn đe

Xét xử lưu động là hình thức xét xử công khai được tổ chức tại trụ sở các xóm, xã, nơi xảy ra vụ án hoặc nơi được coi là “điểm nóng” của tội danh được đưa ra xét xử. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, hội đồng xét xử phân tích, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan để những người có mặt tại phiên tòa hiểu rõ, từ đó rút ra bài học cho bản thân về cách ứng xử trong cuộc sống.

Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ pháp luật của người dân còn hạn chế thì đây là kênh phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả. 

1506328767157.jpgMột phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức tại TX. Thái Hòa. Ảnh: CTV

Đã nhiều lần trực tiếp xét xử tại các phiên tòa lưu động, ông Vi Văn Chắt - Chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Trên thực tế, nhiều người dân có nhận thức rất mơ hồ về pháp luật. Khi xem một phiên tòa tại chính nơi ở của mình, theo dõi quá trình xét xử từ người thật việc thật, họ được tiếp cận luật ngay từ bản án nên hiệu quả mang lại rất tích cực”. 

Để minh chứng cho quan điểm trên, vị chánh tòa hình sự kể về một phiên tòa lưu động vào hồi cuối năm ngoái ở xã Tri Lễ (Quế Phong). Buổi sáng hôm đó, bà con Tri Lễ kéo đến chật kín cả hội trường UBND xã. Đối tượng bị đưa ra xét xử là Trần Thị Tý và Lương Thị Vân cùng trú ở huyện Tương Dương. Trước đó, khi biết được Hà Thị Thủy và Lương Thị Tuyết (trú ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) có nhu cầu sang Trung Quốc làm ăn, Tý và Vân liền nắm lấy thời cơ, hứa hẹn sẽ giúp họ đạt được nguyện vọng. Sau đó, Tý đưa 2 cô gái này xuống thành phố Vinh gặp Vân, chúng thỏa thuận với nhau sẽ đưa Tuyết và Thủy sang Trung Quốc lấy chồng với giá là 70-80 triệu đồng.

Khi Vân đưa Thủy và Tuyết bắt xe đi Quảng Ninh thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Ngay sau khi đồng bọn bị bắt, đối tượng Trần Thị Tý đã ra đầu thú. Tại phiên tòa, sau khi xem xét các chứng cứ và tình tiết phạm tội, Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Thị Tý 4 năm tù giam và Lương Thị Vân 2 năm 6 tháng tù giam về tội “mua bán người”. 

Một phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức tại Trường THPT Tân Kỳ hồi tháng 4/2017. Ảnh: CTV

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử 116 vụ án hình sự sơ thẩm. Hiệu quả ghi nhận được không chỉ ở khía cạnh nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đảm bảo tính nghiêm trị, răn đe mà qua đó còn giúp người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. 

Tránh “tác dụng ngược”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tư pháp, mục đích của xét xử lưu động là đúng đắn song khi đưa vào thực tiễn lại nảy sinh không ít vấn đề bất cập, trong đó có cả những “tác dụng ngược”. Ví dụ như cáo trạng mô tả chi tiết phương thức thủ đoạn phạm tội trong vụ án là cơ hội để các đối tượng khác “học tập”, hoặc những vụ án có tình tiết bạo lực, rùng rợn, liên quan đến xâm hại tình dục… sẽ gây hiệu ứng xấu đến các đối tượng theo dõi là trẻ em.

Bên cạnh đó, việc đưa bị cáo ra xét xử công khai trước đông người, thậm chí có những vụ án xét xử ngay tại quê hương của bị cáo sẽ ảnh hưởng nhất định đến con đường hoàn lương sau này. Bởi suy cho cùng, đối với người phạm tội, mục đích của hình phạt là trừng trị và cải tạo, giáo dục. Khi đặt họ trong tình thế bị xét xử tại quê nhà, họ còn nhận thêm một bản án từ dư luận, có khi còn nặng nề hơn án phạt tù. Khi đó, mục đích cải tạo, giáo dục sẽ không còn, vô hình trung lại dựng thêm rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Vi Văn Chắt cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định tiêu chí để đưa một vụ án ra xét xử lưu động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan tư pháp trong quá trình lựa chọn vụ án, dẫn đến việc không lường trước được những hệ lụy gây ra nếu có.

Thông thường, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ không đưa ra xét xử lưu động đối với bị cáo, người bị hại là đối tượng yếu thế trong xã hội như người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, hoặc những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục, bởi đặc điểm của các vụ án trên khiến cho phiên tòa phản tác dụng. 

Bị cáo Hoàng Văn Ka trước tòa. Ảnh: Phương Thảo

TS. Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho rằng, có không ít phiên tòa xét xử lưu động mà chứng cứ, tội danh còn nhiều vấn đề phải kiểm tra, tranh tụng làm rõ, thậm chí phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều này không chỉ gây mất thời gian mà còn không thể hiện được tác dụng. Vì thế khi lựa chọn vụ án ra xét xử phải có sự xem xét kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ, chứng cứ.

Mặt khác, có nhiều vụ án nảy sinh tình tiết, diễn biến mới nhưng vì mục đích răn đe của phiên tòa lưu động, hội đồng xét xử lại cố kết thúc bằng một bản án nghiêm khắc; tình huống này đôi khi làm phát sinh nguy cơ gây oan sai, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của bị cáo. Do đó, hội đồng xét xử được lựa chọn phải là những người có kinh nghiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đảm bảo tính công bằng, hợp tình hợp lý khi xử án. 

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN