(Baonghean) - Muốn nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống, yếu tố quan trọng đầu tiên là khâu xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị phải đúng và trúng; vừa đảm bảo khoa học, vừa phù hợp với thực tiễn cuộc sống và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn đã chứng minh, sự thành công của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng phụ thuộc vào khâu xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai đưa nghị quyết, chỉ thị vào cuộc sống. Nếu việc xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị không được nghiên cứu một cách khoa học, sát thực tiễn và có chất lượng thì khó tạo được sự đồng thuận xã hội; ngược lại, nếu nghị quyết ban hành trúng, đúng mà việc tổ chức triển khai thực hiện không quyết liệt, không có giải pháp cụ thể thì khó đi vào cuộc sống.

images1921020_400_300.jpgCán bộ xã Nậm Cắn trao đổi với phóng viên về tình hình kiẻm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh tư liệu

Bởi vậy, muốn nghị quyết, chỉ thị của Đảng khi ban hành có được sự đồng thuận cao của xã hội, làm chuyển biến, giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, trước hết việc xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhận thức rõ vấn đề nêu trên, nhiệm kỳ 2015 - 2020 này, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở rất chú trọng khâu xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án ở cấp mình theo hướng đổi mới, theo hướng sát thực tiễn, tránh “rập khuôn”, cấp trên ban hành nghị quyết gì thì cấp dưới có nghị quyết đó mang tính sao chép. Đối với Huyện ủy Nam Đàn, theo đồng chí Vương Hồng Thái - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn, quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, là không ban hành nhiều nghị quyết, mà đã ban hành là phải thực hiện có hiệu quả.

Bởi vậy, Huyện ủy có văn bản giao cho cho các ban, ngành cấp huyện và các địa phương chủ động đề xuất ý kiến, cần ban hành những nghị quyết nào để đảm bảo có hiệu quả. Các ý kiến đó được tổng hợp lại và Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiến hành họp, thảo luận, thống nhất các nghị quyết ban hành mới và một số nghị quyết ở khóa trước đang có giá trị trong thực tiễn thì ban hành kết luận hoặc tiến hành “gộp” để tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Theo đó, ở khóa XXV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Huyện ủy ban hành 26 nghị quyết thì khóa XXVI nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nam Đàn chỉ còn 12 nghị quyết mới được ban hành và 6 kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết khóa trước để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. 

Khi đã xác định được các nghị quyết cần xây dựng, ban hành để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các ban, ngành phụ trách từng lĩnh vực trực tiếp tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết, phân định rõ thời gian hoàn thành. Quá trình xây dựng, yêu cầu phải đánh giá thật sát thực trạng, nhất là phải làm rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân.

Đây được coi là nội dung quan trọng nhất, để khi đưa ra mục tiêu, giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Việc ban hành nghị quyết được tiến hành đầy đủ các bước từ tham mưu của các ngành, ý kiến tham gia của UBND huyện đến ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Có một số nghị quyết được đưa xuống lấy ý kiến từng Đảng bộ, chi bộ cơ sở, tổ chức hội thảo, như Nghị quyết về Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp; Nghị quyết về phát triển du lịch... Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn Vương Hồng Thái, cách xây dựng nghị quyết ở cấp huyện cũng được cấp ủy cơ sở áp dụng, chú trọng hơn nhiều trong khâu nội dung, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm và những vấn đề bức xúc của địa phương, đơn vị để xây dựng, ban hành nghị quyết. 

Lãnh đạo Tỉnh ủy trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến của bí thư chi bộ xã Nam Lộc (Nam Đàn) về những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, ở huyện Yên Thành, việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Huyện ủy và cấp ủy cơ sở được đầu tư nghiên cứu trên cơ sở dự báo đúng và trúng tình hình; bám sát chủ trương, chính sách của cấp trên; thừa kế những bài học kinh nghiệm của thời gian trước. Đặc biệt, mỗi nghị quyết ban hành đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng được mong muốn và đem lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của đông đảo nhân dân.

Đáng chú ý là các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã... Quy trình xây dựng nghị quyết được tiến hành bài bản, đảm bảo nội dung của nghị quyết thực sự là sự kết tinh trí tuệ của cả đảng bộ và nhân dân. Ví như để xây dựng nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở được Huyện ủy phân công, UBND huyện chỉ đạo, phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành đã tiến hành khảo sát tại 38 xã nằm trong đối tượng phải triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện để nắm chắc thực trạng, khó khăn, hạn chế, vướng mắc.

Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng dự thảo nghị quyết với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện sát thực tiễn cơ sở. Đồng thời, phòng Nông nghiệp cũng tiến hành các cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý từ các ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp huyện; lãnh đạo các xã; các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới; xin ý kiến một số ngành cấp tỉnh, trước khi trình UBND huyện, trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến để ban hành. 

Theo đồng chí Hoàng Viết Hưng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành, ngoài việc xác định các nghị quyết, chỉ thị ban hành có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đảm bảo quy trình chặt chẽ; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nghị quyết vào cuộc sống, Huyện ủy và cấp ủy cơ sở cũng xác định rõ, nghị quyết ban hành không là nghị quyết được “đóng khung” mà là nghị quyết đảm bảo yếu tố “gốc” và sẽ được bổ sung, điều chỉnh về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ở từng thời gian nếu thật sự cần thiết.

Rõ nhất là về nghị quyết xây dựng nông thôn mới, ban đầu theo tiêu chí cũ, để được công nhận huyện nông thôn mới chỉ cần 75% số xã đạt nông thôn mới, cho nên nghị quyết này chỉ đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2019, toàn huyện có 28 xã về đích; nhưng sau đó tiêu chí từ Trung ương thay đổi, phải đảm bảo có 100% xã đạt nông thôn mới và nghị quyết cũng được điều chỉnh, bổ sung theo; đặc biệt là bổ sung thêm một số giải pháp để đảm bảo vừa triển khai nghị quyết có chiều rộng ở trên tất cả các xã, vừa có chiều sâu ở những xã khó khăn, đang còn ít tiêu chí. Hay như Nghị quyết nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn huyện, khi ban hành chưa có Đề án số 01 của Tỉnh ủy và một số nghị quyết liên quan của Trung ương; sau đó Huyện ủy cũng đã tiến hành bổ sung, điều chỉnh một số nhiệm vu, giải pháp cho nghị quyết, đảm bảo phù hợp với sự chỉ đạo của cấp trên. 

Không chỉ ở cấp huyện và cơ sở, việc xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị ở cấp tỉnh cũng được đổi mới và triển khai sáng tạo. Các nghị quyết, chỉ thị, đề án được Tỉnh ủy ban hành thời gian qua đều được xây dựng công phu, bài bản, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực trạng và yêu cầu đặt ra trong tình hình mới để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Quá trình xây dựng nghị quyết, Tỉnh ủy cũng chú trọng khâu phản biện, lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các chuyên gia các lĩnh vực liên quan; đảm bảo dự thảo nghị quyết hội tụ được trí tuệ và sát tình hình thực tế.

Không chỉ đổi mới trong việc xây dựng nghị quyết chung mà đối với các nghị quyết riêng cho từng ngành, địa phương cũng được đổi mới cách tiếp cận. Đơn cử như về dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn, giai đoạn 2017 - 2025, có tính đến năm 2030”, mặc dù Tỉnh ủy đã giao cho Huyện ủy Nam Đàn chủ trì tham mưu xây dựng nghị quyết, nhưng để dự thảo có chất lượng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 3 tổ công tác trực tiếp khảo sát tại một số xã về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở; công tác xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp cũng như vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao và một số công trình, dự án; khảo sát một số điểm du lịch như Khu Di tích Kim Liên, nhà lưu niệm Phan Bội Châu, Khu mộ Vua Mai Hắc Đế...

Có thể khẳng định, mục tiêu và mục đích cuối cùng khi ban hành nghị quyết là triển khai trong thực tiễn tạo được sự đồng thuận của xã hội, làm chuyển biến và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Những đổi mới, sáng tạo trong xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp trong tỉnh thời gian qua đã từng bước nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, đồng thời hạn chế tình trạng, nghị quyết ban hành không xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu của cuộc sống; từ đó góp phần nâng cao năng lực và vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn địa phương, đơn vị đặt ra thông qua các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN