(Baonghean.vn) Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ở Quỳnh Lưu đã đi vào chiều sâu, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Toàn huyện có 75% khu dân cư phát huy danh hiệu văn hoá, tiên tiến; 52 dòng họ tiêu biểu; 40% tổ liên gia hoạt động đạt tiêu chuẩn "10 không"; có hơn 600 km đường nhựa và bê tông; 471 nhà văn hoá thôn, đạt tỷ lệ 87,55%; 21 xã có thiết chế văn hoá, thông tin đạt chuẩn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi; lễ hội trên địa bàn, việc cưới, việc tang được tổ chức phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng, từng địa phương.

Tránh chạy theo thành tích trong xây dựng đời sống văn hoá ảnh 1

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế. Đó là, một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức để xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá. Công tác tham mưu, quản lý và tổ chức các hoạt động của cán bộ văn hoá ở cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự năng động, quyết liệt và trách nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, phong trào vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tuy đã được triển khai sâu rộng, nhưng nhiều người dân không nắm bắt cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, đánh giá khu dân cư văn hóa. Thành phần tích cực tham gia phong trào chủ yếu là người cao tuổi, còn một bộ phận tỏ ra thờ ơ. Một yếu tố khách quan tác động, làm giảm hiệu quả của việc thực hiện Cuộc vận độnglà do điều kiện để triển khai các hoạt động còn thiếu hụt. Cơ sở vật chất, các điều kiện hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao như thư viện - phòng truyền thống, nhà văn hoá ở nhiều xã còn hạn chế.; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, thực hiện việc cưới, việc tang. Hiện nay, toàn huyện có 67 thôn chưa có đất để xây dựng nhà văn hoá tập trung ở các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Vinh, Sơn Hải. Thực trạng này dẫn đến nhiều bất cập, người dân không có địa điểm sinh hoạt đảm bảo, không có nơi vui chơi, giải trí cho trẻ; các phong trào thể thao, giải trí, vui chơi sinh hoạt cộng đồng ở địa phương triển khai kém hiệu quả.

 Ngoài ra, việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn chưa đúng quy trình, dẫn đến mất công bằng hoặc nể nang, tư tưởng sợ mất đoàn kết khi tiến hành bình xét cũng dẫn đến việc làm mất giá trị của danh hiệu, hoặc danh hiệu không phản ánh đúng thực chất. Ở một số địa phương, các cuộc họp bình xét về các cơ chế chính sách gắn liền với quyền lợi của người dân thì dân đi họp đông. Nhưng cuộc họp xóm để bình xét gia đình văn hoá thì tỷ lệ không cao; hầu như dân đồng tình với danh sách do Ban công tác mặt trận dự kiến, không bình xét một cách thoả đáng. Một số địa phương, do bệnh thành tích nên việc đánh giá các danh hiệu đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá chưa đúng thực chất, không gắn với các tiêu chí để đánh giá, mà chỉ đánh giá kết quả theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Vấn đề cơ chế chính sách cho cán bộ, kinh phí cho tổ chức khen thưởng các danh hiệu mặc dầu đã có quy định của UBND tỉnh, nhưng do nguồn thu ngân sách của địa phương hạn chế nên hầu như không thực hiện đầy đủ, không góp phần động viên, khích lệ phong trào.

Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là một chủ trương lớn của Đảng, có giá trị thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tinh thần, tình cảm và niềm tin của từng người dân. Để cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực hơn, đòi hỏi hoàn thiện về cơ chế, chính sách, sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng. Ngoài ra, trong đánh giá các danh hiệu gia đình văn hóa phải đảm bảo sự tham gia tích cực của người dân; gắn với các tiêu chí đề ra, tránh bệnh thành tích trong xây dựng đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá.

Nguyễn Anh Văn