(Baonghean) - Khu nhận dạng phòng không không nhất thiết phải trùng khớp với không phận và lãnh thổ thuộc chủ quyền của một quốc gia. Các quốc gia định nghĩa khu vực phòng không, đưa ra các quy định mà máy bay phải tuân theo nhưng không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Trong thế chiến thứ 2, Mỹ thiết lập một chu vi phòng không và duy trì đến bây giờ tại 4 khu vực cách biệt: Guam, Hawaii, Alaska và vùng tiếp giáp thềm lục địa. Vương quốc Anh, Na Uy, Nhật và Canada cũng thiết lập vùng phòng không của mình.
Thứ 6 ngày 29/11, Chính phủ Mỹ tuyên bố hi vọng các hãng hàng không dân dụng của quốc gia này tuân thủ nguyên tắc Trung Quốc đặt ra trong khu vực phòng không ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Mỹ cũng tuyên bố một cách mâu thuẫn rằng điều này không có nghĩa là Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc trong khu vực diễn ra tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc.
Bản đồ và tọa độ khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) được Trung Quốc chính thức công bố vào ngày 23/11. Theo đó, các máy bay bay vào khu vực này phải báo cáo kế hoạch bay và đưa ra thông tin về số hiệu, nguồn gốc của mình. Khu vực này bao gồm một phần lớn của biển Hoa Đông, trong đó có cả quần đảo đang trong tranh chấp giữa Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Mảng đá ngầm Ieodo được Hàn Quốc tuyên bố quyền lãnh thổ cũng nằm trong khu vực Trung Quốc khoanh vùng. Phía Trung Quốc cho biết sẵn sàng sử dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với các máy bay không tuân thủ quy định khi bay vào ADIZ. Các biện pháp phòng thủ này được hiểu là máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm.
Tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc được Mỹ xem như là “động thái đơn phương thay đổi tình trạng chủ quyền ở biển Hoa Đông” và khiến cho “căng thẳng trong khu vực leo thang, tăng nguy cơ tính toán sai lệch, đụng độ và tai nạn”. Bởi khu vực phòng không do Trung Quốc đưa ra lấn sâu vào khu vực phòng không của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là các máy bay được gửi vào khu vực “chồng chéo” này hoàn toàn có khả năng chạm trán và xảy ra xung đột tùy theo cách phản ứng và xử lí của các bên. Phản ứng mạnh mẽ nhất thuộc về chính phủ Nhật Bản: chính quyền Shinzo Abe kiên quyết ra lệnh cho các máy bay Nhật không tuân theo các quy định do Trung Quốc đưa ra, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động kiểm soát khu vực như thường lệ.
ADIZ được nhận định là nước cờ của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Nhật Bản trong tranh chấp ở quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. Quần đảo này bao gồm 5 đảo không người ở và 3 rạn san hô, được cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Quần đảo nằm trong quyền kiểm soát của Nhật và trực thuộc quận Okinawa. 3 đảo trực thuộc Sensaku được doanh nhân Nhật Kunioki Kurihara sở hữu và bán lại cho chính phủ vào tháng 9 năm 2012. Trung Quốc cho rằng quần đảo này thuộc lãnh thổ của mình từ thời xa xưa, trực thuộc Đài Loan. Hiệp ướp Shimonoseki vào năm 1895 chuyển Đài Loan cho Nhật Bản sau chiến tranh Trung – Nhật.
Sau đó, Đài Loan được trả lại cho Trung Quốc theo hiệp ước San Francisco và tuyên bố Cairo và Potsdam. Trung Quốc cho rằng các đảo trong tranh chấp cũng phải được trả lại cho Trung Quốc kèm theo phần lãnh thổ Đài Loan. Nhật thì phản đối bằng lí luận, Nhật đã dựng lên điểm đánh dấu chủ quyền ở các hòn đảo này vào năm 1895 sau cuộc điều tra kéo dài 10 năm, sát nhập chúng vào chuỗi đảo Nansei Shoto. Phần lãnh thổ Nhật phải trao trả lại theo hiệp ước San Francisco (trong đó có Đài Loan) không bao gồm chuỗi đảo Nansei Shoto – trên thực tế, chuỗi đảo này đã được trao trả lại cho Nhật Bản vào năm 1971 sau một quãng thời gian dưới sự kiểm soát của Mỹ. Nhật Bản cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được đưa ra vào thập niên 70 khi các nguồn tài nguyên về thủy sản, nhiên liệu và hàng hải được tìm thấy trong khu vực.
Mặc dù mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng và lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 khi Nhật cáo buộc Trung Quốc đặt khóa radar kiểm soát hỏa lực nhắm vào các tàu chiến Nhật Bản đậu ở hải phận quần đảo Sensaku nhưng Nhật Bản chưa bao giờ chính thức công nhận tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Dường như Nhật Bản mặc định quyền sở hữu quần đảo về phần mình và vấn đề với Trung Quốc chỉ là một “vấn đề đất đai nhỏ”. Hẳn là Trung Quốc đã quyết định đi một nước dài với quân cờ ADIZ, ép Nhật Bản phải lên tiếng. Đáp lại, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố vào thứ 6 ngày 29/11 rằng Nhật sẽ đáp trả lại một cách “dứt khoát nhưng điềm tĩnh”, tin đưa bởi hãng tin Kyodo.
Có vẻ như Nhật không thực sự “điềm tĩnh” đến thế khi Ngoại trưởng Nhật Fumio Kushida cho biết sẽ bàn luận về vấn đề này với Phó thủ tướng Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 3 ngày bắt đầu vào thứ 2 tới đây. Một đồng minh rất khả thi khác của Nhật là Hàn Quốc, quốc gia có lãnh thổ nằm trong vùng phòng không do Trung Quốc vạch ra. Nhật, Mỹ và Hàn đều tuyên bố có máy bay quân sự bay vào khu vực trên mà không báo trước. Đặc biệt, Mỹ đã gửi 2 máy bay ném bom B-52 vào vùng ADIZ trong vòng 1 giờ mà không báo trước cho Bắc Kinh. Mặc dù phía Mỹ tuyên bố đây chỉ là cuộc diễn tập huấn luyện đã được lên kế hoạch từ trước nhưng thực chất, đây là con át chủ bài mà Mỹ nhăm nhe “đe dọa” Trung Quốc.
Đáp lại, người phát ngôn của lực lượng phòng không không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố vào thứ 6 ngày 29/11 rằng máy bay chiến đấu đã được điều động để giám sát 2 máy bay quan sát của Mỹ và 10 máy bay của Nhật bao gồm máy bay cảnh báo sớm, máy bay quan sát và máy bay chiến đấu bay qua vùng ADIZ. Ông Thân cũng cho biết máy bay chiến đấu Trung Quốc đã định vị được các chuyến bay và máy bay kể trên. Có thể thấy, người Trung Quốc không ngần ngại thách thức 2 cường quốc về hải lực và không lực với sức mạnh quân sự ngày một bành trướng nhưng vẫn non nớt của mình.
Động thái của Trung Quốc được cho là đi ngược lại với những tuyên bố của nước này về mong muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán và thương lượng hòa bình. Nhưng nói gì thì nói, có vẻ như sách lược của Trung Quốc đã thành công phần nào trong mục đích “khích tướng” Nhật vứt bỏ bộ mặt lạnh đối với vụ tranh chấp quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. Nhưng có thật sự khôn ngoan khi lôi kéo cả Mỹ lấn sâu hơn vào vấn đề này, và xa hơn nữa là các nước trong khu vực?
Một Lầu Năm Góc phẫn nộ vì bị “vuốt râu hùm” và các nước Đông Nam Á lo ngại viễn cảnh một ADIZ thứ 2 ở biển Đông - nơi cũng đang diễn ra tranh chấp: sự thật là Mỹ “nói cứng” nhưng vẫn yêu cầu các hãng hàng không dân dụng của mình tuân theo Trung Quốc, các hãng hàng không thương mại như Singapore Airlines, Qantas và Korean Air cũng có động thái tương tự. Xem ra Trung Quốc đang tự cô lập mình, hay đây chính là tuyên bố ngầm về quyền lực đang bành trướng mà không ai kiểm soát nổi của đất nước tỉ dân?
Nấm Linh Chi