(Baonghean) - Trong quá trình chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, có một nội dung rất quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ vừa qua.

Đây là vấn đề tổng kết thực tiễn làm cơ sở xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới bảo đảm tính khoa học và thực thi hiệu quả. Nhưng qua các nhiệm kỳ đại hội cho thấy, một số đảng bộ khi đánh giá nặng về biểu dương thành tích, phần tổng kết thực tiễn chỉ nêu một vài hạn chế, khuyết điểm kèm theo các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành những đảng bộ này thường tập trung nêu ưu điểm, mà phần khuyết điểm nêu không đầy đủ. Trong nhiều hoạt động hướng tới đại hội Đảng như hội thảo, tọa đàm, họp báo, tuyên truyền… các cấp ủy chỉ đạo nêu đậm thành tích, ngại nêu những việc chưa làm được. Từ những hiện tượng trên đây, có ý kiến cho rằng, trước thềm đại hội đảng bộ các cấp sắp tới cần tránh bệnh “thành tích nhiệm kỳ”.

Trước hết phải khẳng định rằng, tổng kết thực hiện nghị quyết một nhiệm kỳ đại hội không thể không nêu thành tích, bởi đó chính là kết quả cụ thể của việc thực hiện nghị quyết. Mức độ thành công trong thực hiện nghị quyết của một nhiệm kỳ thể hiện trước tiên bằng những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ đó. Dấu ấn một nhiệm kỳ đại hội chính là những thành tích nổi bật mà đảng bộ đã đạt được. Tổng kết nhiệm kỳ của bất cứ đảng bộ nào cũng phải thấy rằng thành tựu đạt được là cơ bản, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng bộ và nhân dân. Tuy nhiên, tổng kết thực hiện nghị quyết một nhiệm kỳ đại hội mà chỉ tập trung nêu thành tích, không thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém thì đó là biểu hiện của bệnh thành tích trong công tác xây dựng Đảng. 

Việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết một nhiệm kỳ đại hội gắn với trách nhiệm cá nhân của những người lãnh đạo. Bởi vậy cũng cần nhìn nhận một thực tế, nếu đánh giá thực hiện nghị quyết mà “nặng” khuyết điểm, “nhẹ” thành tích thì có thể gây hệ lụy: năng lực lãnh đạo của tập thể cấp ủy có thể bị đánh giá thấp, tinh thần trách nhiệm của từng cấp ủy viên có thể bị phê bình, uy tín của người đứng đầu có thể giảm sút, việc bố trí nhân sự cho nhiệm kỳ tới có thể gặp khó khăn. Vì những lý do đó, nên khi đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết một nhiệm kỳ, có biểu hiện “tô đậm” thành tích, làm nhẹ khuyết điểm cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa làm cho bệnh “thành tích nhiệm kỳ” tồn tại ở một số đảng bộ. 

Mỗi nhiệm kỳ đại hội đánh dấu bước phát triển mới của đảng bộ về công tác xây dựng Đảng, với những ưu điểm cần phát huy, những khuyết điểm cần khắc phục, những vấn đề thực tiễn cần tổng kết. Nếu xem mỗi nhiệm kỳ đại hội chỉ là dịp để biểu dương thành tích, không làm rõ nguyên nhân những tồn tại, yếu kém thì sẽ không phát huy được vũ khí tự phê bình, phê bình để tổng kết công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Kinh nghiệm cho thấy, những đảng bộ nào trong quá trình chuẩn bị đại hội không phát huy tốt tinh thần tự phê bình, phê bình thì chất lượng đại hội sẽ không cao, nghị quyết đại hội không có những nội dung đột phá, nhân sự đại hội không có những đổi mới, phong trào địa phương, đơn vị theo đó dễ bị tụt hậu.

Để  tránh bệnh “thành tích nhiệm kỳ”, điều quan trọng nhất là tư tưởng chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong quá trình chuẩn bị đại hội. Cấp ủy nào xem đại hội chỉ là dịp để biểu dương thành tích, không phát huy vũ khí tự phê bình, phê bình để tổng kết công tác xây dựng Đảng, thì bệnh thành tích là điều khó tránh khỏi. Ngược lại, cấp ủy nào chỉ đạo không tốt để xảy ra tình trạng lợi dụng kiểm điểm tự phê bình, phê bình để “hạ bệ” lẫn nhau thì nội bộ sẽ trở nên phức tạp, đại hội khó thành công. Phải đúng mực trong biểu dương thành tích, khách quan, công tâm trong phê bình khuyết điểm; thực hiện đúng lộ trình tổng kết thực tiễn để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, thì việc chỉ đạo đại hội mới thành công.

Trần Hồng Cơ