"4 TẠI CHỖ" CÙNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Đêm thành Vinh mấy ngày nay vắng lặng lạ thường. Sau 7 giờ tối, trên các trục đường chính không còn mấy ai qua lại. Thỉnh thoảng chỉ có một số cán bộ, nhân viên, đội ngũ y, bác sĩ, những người làm các công việc thiết yếu về muộn sau một ngày dài.

bna_kiem_tra_phuong_tien_di_qua_chot1077904_2582021.jpgKiểm tra phương tiện đi qua chốt. Ảnh: Tiến Đông

Trên các tuyến đường mà hàng ngày vẫn có 2 làn xe qua lại, nay đã được rào chắn đi một nửa, chỉ để mở một lối đi và luôn có 1 cán bộ công an đứng trực, hễ có ánh đèn xe từ xa chiếu lại thì ngay lập tức ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra. 

Cả một dọc dài các tuyến phố yên bình đến lạ, nhưng chất chứa trong đó là biết bao nỗi âu lo. Những dãy nhà mặt tiền vốn được dùng để mở quầy tạp hóa, cơ sở kinh doanh luôn tấp nập mua bán đến tận khuya nay chỉ khép hờ hoặc cũng tắt đèn, đóng cửa. Chẳng có lấy một ai muốn bước chân ra ngoài khi dịch bệnh đang bủa vây như lúc này. 

Thiếu tá Lê Bá Nhân - cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (PX03), chuyên trách Phó Chủ tịch Công đoàn Công an tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tại chốt 64 khu vực trước cổng chợ Cọi, xã Hưng Lộc chia sẻ: Khi toàn thành phố tăng cường thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần "ai ở đâu, ở yên đó", theo lệnh điều động của Giám đốc Công an tỉnh, anh cùng các đồng đội đã ngay lập tức có mặt tại vị trí từ 22h ngày 22/8 để xây dựng chốtvà bố trí, cắt cử lực lượng làm nhiệm vụ.

Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên chốt ghi chép lại biển số xe, thông tin một số phương tiện đi qua chốt để có thể truy vết khi cần thiết. Ảnh: Tiến Đông

Do việc xây dựng các chốt kiểm soát được tiến hành đột xuất, trong một thời gian ngắn, nên sau khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Nhân đã cùng với BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của xã Hưng Lộc bàn phương án phối hợp, đảm bảo "4 tại chỗ" trong công tác phòng, chống dịch. 

Chốt 64 có 9 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng PX03 được bố trí thành 3 ca trực trong ngày, mỗi ca 3 đồng chí, kéo dài 8 giờ. Thượng úy Lê Minh Khôi – cán bộ Phòng PX03 làm nhiệm vụ tại chốt này chia sẻ thêm, những ngày đầu khi mới bắt đầu thiết lập chốt kiểm soát, các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chưa ban hành kịp thời nên còn một số người vẫn ra ngoài đường, có người còn không biết mình có thuộc đối tượng được ra đường để đi làm hay không. Chúng tôi phải giải thích và hướng dẫn cho người dân hiểu rõ quy định phòng, chống dịch, đây không phải là “kiềm tỏa” người dân mà là lập chốt kiểm soát, “ai ở đâu, ở yên đó” để trong một thời gian ngắn truy vết được các ca F0 trong cộng đồng, bẻ gãy được các chuỗi lây bệnh, có như vậy mới dập tắt được dịch.

Đêm về khuya, thỉnh thoảng chỉ có những người làm nhiệm vụ thiết yếu trở về muộn sau một ngày dài. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Đăng Thành - Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 xã Hưng Lộc cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 3 chốt kiểm soát do Công an tỉnh bố trí dọc tuyến đường Lê Viết Thuật tính từ cầu Kênh Bắc đến ngã tư Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Đây là tuyến đường mà bình thường có lưu lượng người dân qua lại đông. Sau khi các chốt này được thành lập, xã cũng đã bố trí lực lượng phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường nhỏ, ngõ xóm, đồng thời bố trí chốt lẻ trên đường liên xã tại cầu Bồ, nối sang xã Nghi Thái (Nghi Lộc), tránh tình trạng ngoài trục đường lớn thì chốt chặn nghiêm ngặt, nhưng trong ngõ, xóm người dân đi lại ngang nhiên.

Bên cạnh đó, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của xã cũng thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức hậu cần tại chỗ cho các lực lượng trực chốt khi có yêu cầu. "Với lực lượng của xã khoảng 30 người, cùng với các chốt kiểm soát do Công an tỉnh tăng cường đã góp phần bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn trên địa bàn" - ông Thành nhấn mạnh. 

SẴN SÀNG LÊN ĐƯỜNG VÌ BÌNH YÊN THÀNH PHỐ

Trong số 630 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An tăng cường cho TP. Vinh để thiết lập 70 chốt kiểm soát, có những người nằm trong danh sách 100 cán bộ, chiến sĩ vừa mới đi tăng cường cho các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu chống dịch hơn 3 tuần, từ khi dịch bệnh bùng phát thời điểm nửa sau tháng 6 đến đầu tháng 7/2021. Họ vừa xách ba lô về đơn vị chưa lâu, cũng vừa hết thời gian cách ly và chưa kịp về thăm nhà đã lại tức tốc lên đường. Thiếu tá Lê Bá Nhân cũng là một trong những người vừa đi tăng cường ở Diễn Châu về, anh bảo: “Từ ngày có dịch, anh em luôn trong tư thế sẵn sàng. Chiếc ba lô đầu giường ở đơn vị lúc nào cũng để sẵn vài bộ quần áo, tư trang, khi có lệnh là ngay lập tức lên đường”.

Kiểm tra giấy tờ đối với xe đưa, đón công nhân đi trên đường. Ảnh: Tiến Đông

Tại chốt kiểm soát ngay ngã tư cầu Kênh Bắc, đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ - do cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07) đảm nhận. Đây là nơi giao nhau giữa 3 tuyến đường lớn, nên nhiều phương tiện vẫn qua lại. Tại đây, 4 cán bộ, chiến sĩ trong một ca trực đứng ở 4 ngả đường, chiếc barie bằng sắt được dựng lên ngăn cách 1 làn đường, chỉ trừ lại 1 lối đi.

Tranh thủ vắng người, Thiếu úy Nguyễn Duy Bảo - Đội Tham mưu - PC07 quê ở xã Nam Hưng (Nam Đàn), chia sẻ: Cách đơn vị khoảng 20 km, nhưng từ tháng 6 đến nay anh chưa về thăm nhà. Anh Bảo vừa đi tăng cường cho chốt kiểm soát ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) về chưa lâu, sau 2 tuần cách ly tại đơn vị theo quy định, anh lại lên đường ra chốt để làm nhiệm vụ cùng đồng đội.

Có một điều đặc biệt mà tôi bắt gặp trong đêm, đó chính là sự xuất hiện của không ít nữ cán bộ, chiến sĩ cùng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát. Trong số 630 cán bộ, chiến sĩ được Công an tỉnh điều động lần này, có đến hơn 100 nữ cán bộ, chiến sĩ. Họ cũng bám chốt, bám đường như bao đồng đội nam khác. Có những người chồng một đàng, vợ một nẻo ở hai đơn vị khác nhau, cả tháng trời chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại. Có người đành gửi con về cho ông bà hai bên nội, ngoại rồi khẩn trương lên chốt. Năm học mới đã cận kề mà cũng chưa kịp mua sắm sách vở cho các con.

Thượng úy Nguyễn Thị Phượng - cán bộ PX03 kiểm tra giấy tờ của phương tiện khi đi qua chốt kiểm soát. Ảnh: Tiến Đông

Thượng úy Nguyễn Thị Phượng - cán bộ PX03 làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát ở ngã tư gần Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chỉ cười khi tôi ngụ ý nhắc đến những khó khăn, vất vả của chị em khi lên chốt. Chị cho rằng, đó là nhiệm vụ mà mỗi người chiến sĩ Công an Nhân dân đều cảm thấy tự hào và luôn sẵn sàng để hoàn thành một cách xuất sắc nhất.

Dù được các đồng đội nam ưu tiên cho đi ca đầu để về nghỉ sớm, nhưng tôi để ý, lúc chị thay ca thì trời cũng đã sang canh. Rời chốt, chị Phượng không được về nhà mà tập trung hẳn ở đơn vị. Đoạn đường từ chốt gác về đơn vị vắng sâu hun hút, chỉ có ánh đèn vàng lấp loáng xuyên qua từng hàng cây bên đường. Nhưng chị cảm thấy vui hơn khi đi qua mỗi chốt gác lại bắt gặp hình ảnh đồng đội mình đang làm nhiệm vụ, vì sự bình yên cho thành phố thân yêu. Chị thầm mong dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để cuộc sống thường nhật lại trở về, phố xá lại nhộn nhịp như xưa ...