(Baonghean) - Đã tròn 10 năm kể từ khi những bản người Thái, Khơ Mú từ lưu vực sông Nậm Nơn về nơi tái định cư ở 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Những dự án dân sinh đang được thực hiện để thay đổi cuộc sống cho bà con với bao tươi mới, dù vẫn thoáng nỗi nhớ quê cũ mà đôi khi, chỉ là nỗi nhớ những mùa lúa rẫy...
 
“Thế là đã tròn 10 năm chúng tôi rời quê hương về đây. Cũng ngần ấy năm xa mùa lúa rẫy" - Trưởng bản Thái Lâm xã Thanh Sơn (Thanh Chương) nói và tôi chợt nhớ đến những bản làng vừa đi qua. Thanh Sơn có 16 bản tái định cư đến từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hầu hết đều đã được đặt tên lại như Thanh Hòa, Thái Lâm, Tân Lập, Kim Lâm, Kim Hòa… Đâu đó, một vài hàng cau trồng từ những ngày đầu dời bản về đây đã cao quá nóc nhà. 
 
 
images1736668_4a.jpgMột góc khu tái định cư ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương).
 
Qua 10 năm, các bản Thái Lâm và Thanh Hòa của xã Thanh Sơn đã phần nào mang dáng dấp bản vùng cao khởi sắc so với sự xác xơ, lạ hoắc hồi mới về. Ngôi nhà sàn dự án thủy điện xây sẵn cho gia đình ông Moong Văn Thắng ở bản Thanh Hòa đã được gia chủ tu sửa lại cho hợp với phong tục cư trú của người Khơ mú. 
 
Những phụ nữ Thái ở bản Thái Lâm khi ra đường vẫn diện váy truyền thống như hồi còn ở quê cũ. Nếp sống cũ vẫn vậy. Váy Thái, tiếng Thái, tiếng Khơ mú vẫn hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống thường ngày của bản.
 
Trong căn bếp của bà mẹ bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, những vật dụng nấu xôi từ thời làm lúa rẫy giờ lại được dùng đồ xôi lúa nếp cấy dưới ruộng. Ngày Tết, ngày vui hay khi có đám tang là phải có rượu cần mới thành phong tục. Họ cũng như những xóm người Nam Đàn, Nghi Lộc lên vùng cao cách đây hàng nửa thế kỷ về trước. Họ cũng “gánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân” nhưng đó là những cuộc giãn dân. Còn đối với những người đến từ lòng hồ Bản Vẽ, có thể nói, đó là một sự hy sinh cả nơi chôn rau, cắt rốn cho một công trình trọng điểm quốc gia.
 
Khác với những chuyến di dân ngược ngàn trước đây của những người địa phương miền xuôi, cư dân lòng hồ Bản Vẽ có thể nói là đã đến một nơi văn minh hơn. Điều này được trưởng bản Thái Lâm, ông Lô Dương Tấn chia sẻ trong một buổi tối khi những đợt lạnh đầu mùa tràn về miền rừng núi Thanh Sơn.
 
10 năm trước, ông Tấn cùng gia đình chuyển căn nhà sàn từ bản Com xã Kim Tiến (Tương Dương) về bản mới được đặt tên mới là Thái Lâm. Lúc đó xã Thanh Sơn cũng vừa thành lập. Vậy là tên xã, tên bản đều mới toanh.
 
“Lúc đầu mình cũng hoang mang, vì chẳng biết sẽ sống sao đây khi về nơi không có lúa rẫy, cá sông, không đi săn được gà rừng, nai, hoẵng. Nhưng rồi sau 10 năm, mọi chuyện đã ổn dần. Bây giờ sống quê mới đã thấy quen, thấy gắn bó lắm rồi”.
 
Ông Tấn bảo, về đây đường sá thuận tiện, người ốm đau đi bệnh viện cũng chẳng phải cách trở đò giang. Con cái học hành cũng dễ dàng hơn trước. Cuộc sống vậy là đổi thay theo chiều hướng tốt hơn rồi.
 
 
Người dân tái định cư xã Thanh Sơn đi làm vào lúc sáng sớm.
 
Tôi chợt nhớ sáng nay vừa ghé thăm nhà ông Lữ Dương Tình ở bản Kim Lâm trong một buổi sáng mưa mờ mịt. Ông Tình, cũng là một cư dân di dời từ xã Kim Tiến huyện Tương Dương trước đây lên thăm đồi chè của mình.
 
Ông Tình từng là cán bộ y tế trạm xá xã. Giờ nghỉ hưu về nhà trồng chè. Bây giờ sau hơn 2 năm chăm bón, ông đã có thể hái những lứa chè đầu tiên. Không chỉ có ông Tình mà có khá nhiều hộ trồng chè ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã hái lứa chè bói đầu tiên. Đây là kết quả ban đầu của một dự án được thực hiện bởi chính quyền huyện nhằm tạo thu nhập ổn định cho bà con tái định cư nhà máy thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương. 
 
“Nói vậy thì về cơ bản cuộc sống của bà con đang dần ổn định?”, tôi cắt ngang câu chuyện của ông Lô Dương Tấn. Người đàn ông vừa lên chức “ông nội” từ 3 năm nay  khẽ gật đầu với một nụ cười nhẹ và tiếp tục câu chuyện: Điều người dân mong mỏi nhất bây giờ vẫn là đất sản xuất. “Chúng tôi cũng đã đề nghị lên xã nhưng từ tháng 3 đến giờ vẫn chưa giải quyết xong”.
 
Ông Tấn nhớ lại ngày trước khi những người thực hiện dự án thủy điện lên tuyên truyền với người dân thì về nơi ở mới mỗi nhân khẩu sẽ được mỗi người 3.000m2 đất rừng, 300m2 đất ruộng. Thế nhưng nhiều nơi không thể làm ruộng do địa hình đất dốc. Bản Thái Lâm ruộng nhiều nhất xã cũng chỉ được 270m2 cho mỗi đầu người. 
 
Đất ruộng coi như vậy đã ổn, riêng đất rừng hiện tại có bản Thái Lâm và Cha Coong 2 là chưa chia được đất. Người Cha Coong nhất quyết phải đủ 3.000m2 cho mỗi khẩu mới chịu nhận đất còn bản Thái Lâm lại vướng chuyện khác. Có những hộ đến trước, siêng làm hơn đã phát lấn sang đất đã chia cho nhà khác. Hiện giờ trên phần đất ấy, cây cối hoa màu đã lớn. Người ở bản quen sống bằng tình nghĩa với nhau, thấy cây trồng đó rồi, dù là đất được chia cho mình cũng khó lòng đòi lại.
 
 
Cây chè của người dân tái định cư xã Ngọc Lâm
 
Dự án trồng chè gần đây cũng gặp phải một số vướng mắc. Một số người dân thậm chí đòi bỏ cây chè. Đơn giản là vì chính quyền địa phương đã dùng nguồn chi hỗ trợ cây ngắn ngày cho người dân từ Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 chi trả cho việc mua giống chè.
 
Điều này khiến những nhà trồng chè đều bị cắt giảm khoản chi trả cho cây ngắn ngày. Có hộ còn không nhận được đồng nào. Tìm hiểu từ chính quyền huyện thì nhận được giải thích rằng: Trong dự án trồng chè được phê duyệt bởi UBND tỉnh, trong đó quy định nguồn vốn thực hiện dự án trồng chè có cả phần tiền đền bù tái định cư và giải phóng mặt bằng Thủy điện Bản Vẽ. Nếu từ đầu, cán bộ xã giải thích rõ cho người dân thì chắc không đến nỗi.
 
Trong câu chuyện dài bên mâm cơm ngày se lạnh, ông Lô Dương Tấn vẫn nói nhiều về quê cũ, dù biết rằng nơi ở mới có nhiều điều tốt hơn. Dễ hiểu, bởi những người từ thuở lọt lòng đã gắn bó với rừng nay đến gần nửa đời người như ông hẳn khó nguôi ngoai nỗi nhớ những mùa cơm gạo rẫy mới. Là ông bảo, gạo nếp rẫy, không bón phân, nên ngon hơn nếp ruộng…
 
Trò chuyện về những tâm tư ấy, ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trăn trở: Rồi phải cố gắng làm những điều thiết thực để bà con an tâm gắn bó quê mới sau khi chấp nhận hy sinh nơi chôn nhau cắt rốn cho một công trình thủy điện lớn của đất nước.
 
Hữu Vi - Hồ Phương