(Baonghean) Xã Thanh Sơn có 16 bản với 1.136 hộ dân được di dời từ huyện Tương Dương vào năm 2009 để nhường đất cho dự án Thủy điện Bản Vẽ. Sau hơn 2 năm cải tạo vùng đất mới, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có bàn tay chăm chỉ của người phụ nữ, nhiều gia đình đã tìm ra hướng đi mới.

Là một trong những hộ có tổng thu nhập hàng năm khá cao nhờ nấu rượu và chăn nuôi lợn thịt, chị Lương Thị Hiến (bản Kim Chương, xã Thanh Sơn) cho biết: Trước đây ở Tương Dương, gia đình chị cũng chăn nuôi lợn, bò nhưng không phải chăm sóc, vì chủ yếu thả vào rừng, mỗi tháng đôi ba lần lên kiểm tra, thấy bò, lợn lớn thì lùa về đem bán, còn rau thì chỉ việc trỉa xuống đất, không cần chăm sóc mà vẫn tốt. Ở nơi ở mới này, đất cằn khô nên muốn trồng cây gì cũng phải chăm sóc cẩn thận, theo đúng quy trình thì mới có mà ăn.

Sau nhiều đêm suy tính, vợ chồng chị Hiến quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu vốn ít, vì không phải diện hộ nghèo nên chị được các cấp tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp bấy lâu, chị Hiến mua 40 con lợn giống. Cứ thế lấy ngắn nuôi dài, giờ đây, mỗi năm chị nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa xuất chuồng từ 30 - 40 con. Nhận thấy vùng đất Thanh Sơn khó tìm ra cây rau để chăn nuôi lợn, chị Hiến bàn với chồng nấu thêm rượu, lấy hèm nuôi lợn. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định, có điều kiện để nuôi 3 đứa con ăn học ở TP Vinh. Dự định của chị Hiến là mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn, nhím. Tuy nhiên, trăn trở của chị Hiến đó là vốn vay thông qua Hội Phụ nữ còn thấp, các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi có mở nhưng chưa hiệu quả.

787009_small_87726.jpg

                   Phụ nữ Thanh Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ở Thanh Sơn, không chỉ có chị Hiến cần vốn để đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất, mà rất nhiều các chị em khác cũng đang trong tình trạng thiếu vốn và khoa học kỹ thuật. Trao đổi với chị Lang Thị Hương – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Sơn, được biết: Một trong những vấn đề trăn trở nhất hiện nay là nguồn vốn để hội phụ nữ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế còn quá thấp.

Từ năm 2009 đến nay, tổng dư nợ qua Ngân hàng Chính sách Xã hội là 2 tỷ đồng, trong đó hộ nghèo và cận nghèo được vay 10 triệu đồng/hộ, hộ thoát nghèo 30 triệu đồng/hộ. Tỷ lệ hộ nghèo quá cao nên nhiều chị em có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi vẫn chưa được đáp ứng. Ngoài khó khăn về vốn thì việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt cũng đang có nhiều vướng mắc. Mặc dù thời gian qua Hội đã phối hợp với các cấp, ngành mở một số lớp tập huấn về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh… thế nhưng hiệu quả áp dụng còn thấp. Do thói quen, cách sống ở Tương Dương “dựa vào thiên nhiên” đã ăn sâu bám rễ nên nhiều gia đình đến nay vẫn không có vườn rau xanh. Bởi để trồng được vườn rau trên mảnh đất cằn khô này đòi hỏi người phụ nữ phải thật sự chịu khó, nhớ quy trình chăm sóc rau từ cách bón phân gì, thời gian nào là phù hợp… Nhiều chị em không chịu học hỏi, không nhớ cách thức chăm sóc nên dù ở nông thôn mà vẫn thường xuyên thiếu rau. Để khắc phục vấn đề này, Hội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách cho các chị em tham quan, học tập những mô hình vườn rau xanh ở các chi hội bạn.

Điều đáng mừng là tuy còn khó khăn, vất vả nhưng gần 90% chị em ở Thanh Sơn vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm và thêu truyền thống. Để động viên chị em, thời gian qua, Hội đã phối hợp mở 2 lớp tập huấn về dệt thổ cẩm thu hút 60 học viên tham gia. Có thể trong thời gian không xa nữa, sẽ có một làng nghề dệt truyền thống của chị em Thanh Sơn ra đời. Đó cũng là hướng thoát nghèo mới cho chị em mà chúng ta hy vọng.


Thanh Thủy